Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Long Phú đã triển khai thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới như: tập huấn chuyển khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, duy trì và phát triển các tổ tín dụng tiết kiệm, hỗ trợ vốn, con giống phát triển kinh tế gia đình, mở các lớp dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Nhờ vậy đã giúp nhiều chị em phụ nữ trong huyện, nhất là chị em phụ nữ người dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, gia đình chị Súc Thị Mỹ Lệ (người dân tộc Khmer, chị là hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Phú Đức, xã Long Phú, huyện Long Phú) thuộc diện hộ nghèo. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng, chị thuê 10 công đất trồng sen lấy ngó. Sau 5 năm, thu nhập ổn định, chị trả hết nợ vay. Năm vừa rồi, ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục xét cho chị vay 100 triệu đồng, chị đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau một thời gian nỗ lực, cùng sự hỗ trợ, động viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế ổn định. Hiện, gia đình chị đã có 2 con bò sinh sản và 3 con bò thịt. Riêng mô hình trồng sen lấy ngó cho thu hoạch quanh năm, cách 3 ngày sen cho thu hoạch một lần, mỗi lần từ 25 - 40kg ngó sen, thương lái đến tận nhà thu mua với giá 22.000 đồng/kg, giúp cho gia đình chị có nguồn thu khá, để lo cho các con ăn học.
Chị Súc Thị Mỹ Lệ - hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Phú Đức, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) vươn lên thoát nghèo từ mô hình trồng sen lấy ngó và nuôi bò sinh sản. Ảnh: CHÍ BẢO
Còn chị Triệu Thị Phol Ly - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Kinh Ngang, xã Long Phú chia sẻ: “Sau khi tôi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ngành tiếng Anh do không tìm được việc làm, vợ chồng tôi rời quê lên Bình Dương làm công nhân. Thấy cha mẹ già yếu, con nhỏ không người chăm sóc, vợ chồng tôi về quê lập nghiệp và tham gia công tác hội. Vợ chồng tôi làm 1,8ha đất ruộng của cha mẹ và được Hội Liên hội Phụ nữ xã giới thiệu vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi heo. Hiện nay, tôi đang nuôi 4 con heo nái và trên chục con heo thịt, mỗi năm cho xuất chuồng 3 đợt, thu về lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. Tôi giúp đỡ chị em phụ nữ trong ấp kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp heo giống cho chị em, khi nào có tiền các chị trả sau”.
Chị Tăng Thị Hồng Loan, ở ấp Trường Hưng, xã Trường Khánh, huyện Long Phú cho biết: “Được hỗ trợ vốn vay của mô hình khởi nghiệp, tôi đã thực hiện mô hình nuôi chim trĩ. Qua thời gian nuôi, mô hình mang lại hiệu quả cao, giúp tôi có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn”. Khi vay được 20 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của phụ nữ, chị Thạch Thị Oành Thu, ở ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh đã đầu tư thêm cho quán nước, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, cuộc sống cũng ổn định hơn trước.
Nhờ được vay vốn, chị Triệu Thị Phol Ly phát triển mô hình nuôi heo, giúp đỡ chị em phụ nữ trong ấp kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp heo giống trả chậm cho chị em. Ảnh: CHÍ BẢO
Đồng chí Bùi Thị Thu Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Long Phú cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã chỉ đạo xây dựng các mô hình như: các tổ hợp tác trồng bồn bồn - sen, tổ may mặc gia công, làm nón bảo hiểm, các mô hình trồng rau sạch ở Song Phụng và Hậu Thạnh. Bên cạnh đó, còn có các mô hình làm ăn có hiệu quả như: tổ phụ nữ đan đát, tổ kết cườm tại các tổ, nhóm phụ nữ do chúng tôi quản lý”.
Hiện tại, các cấp hội phụ nữ huyện Long Phú tiếp tục duy trì các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với 839 tổ phụ nữ hùn vốn, tương trợ, tổ phụ nữ tiết kiệm có trên 8.000 thành viên. Đồng thời tranh thủ từ các nguồn vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, giúp chị em vay phát triển kinh tế. Hội phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và UBND các xã, thị trấn mở 7 lớp dạy nghề có 224 học viên, với các nghề như: múa Khmer, đan giỏ nilon, kết cườm, chăn nuôi, trồng nấm rơm, kỹ thuật trồng màu. Kết quả sau học nghề có 184/224 chị áp dụng các kiến thức và khoa học kỹ thuật vào sản xuất và có việc làm ở các cơ sở tư nhân. Hội còn giới thiệu 37 chị có việc làm trong khu công nghiệp tại Sóc Trăng. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp hội phụ nữ huyện đã giúp cho 1.213 hộ, trong đó có 1.083/1.083 hộ nghèo do nữ làm chủ, 442/442 hộ hội viên nghèo làm chủ thông qua các hình thức hỗ trợ vốn, kiến thức, giới thiệu việc làm, vận động chị em tham gia học nghề, hỗ trợ các nguồn vốn chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ… qua đó, có 41 hộ hội viên đăng ký thoát nghèo.
Ngoài ra, huyện còn khuyến khích chị em mạnh dạn tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình, đến nay có 14 ý tưởng khởi nghiệp của chị em phụ nữ thực hiện thành công và đạt hiệu quả như: dịch vụ làm móng, trồng trọt, buôn bán, mô hình kinh doanh bàn ghế…
Đồng chí Bùi Thị Thu Nga thông tin: “Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục rà soát các hộ hội viên phụ nữ, đặc biệt là chị em phụ nữ đơn thân làm chủ hộ, phụ nữ người dân tộc thiểu số mà nghèo bổ sung vào danh sách và có địa chỉ cụ thể để chúng tôi hỗ trợ. Trước tiên là hỗ trợ các lớp tập huấn, tranh thủ với các ngành chức năng như: Phòng Nông nghiệp, bảo vệ thực vật để chuyển giao khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề cho chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, chúng tôi nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, mô hình mới, tranh thủ các nguồn vốn từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; đưa đi đào tạo các lớp kinh doanh, mua bán nhỏ tại hộ gia đình và tranh thủ các nguồn vốn tiết kiệm tại các tổ, nhóm để tạo điều kiện cho chị em và tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả tại địa phương để chị em có điều kiện phát triển kinh tế”.
CHÍ BẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin