Đồng bào Khmer sinh sống tại xã Trung Bình chiếm gần 37% dân số. Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp nhiều hộ dân là đồng bào Khmer có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay trên địa bàn xã Trung Bình đã có 52 hộ dân là đồng bào Khmer được hỗ trợ nhà ở, đất ở và chuyển đổi ngành nghề, 31 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Ngoài ra, các công trình giao thông trên địa bàn xã đã được nâng cấp với tổng số vốn trên 852 triệu đồng. Theo đồng chí Trần Hàng Cheng - Bí thư Đảng ủy xã Trung Bình, những hỗ trợ thiết thực này đã giúp những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn tiếp cận và phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.
Được hưởng các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự nỗ lực vươn lên, đến nay đời sống của đồng bào Khmer ở xã Trung Bình thay đổi rõ rệt. Anh Liên Văn Tùng ở ấp Chợ cho biết: “Gia đình tôi sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản nên vợ chồng tôi và 4 đứa con sinh sống trên chiếc ghe đã được gia cố lại để làm chỗ ở. Những lúc trời mưa giông luôn nơm nớp lo lắng về sự an toàn cho cả nhà. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ 88 triệu đồng để mua đất và xây nhà, cuộc sống gia đình tôi sang trang mới, mỗi khi tôi đi làm cũng an tâm hơn vì vợ con ở nhà có mái ấm kiên cố”.
Gia đình anh Liên Văn Tùng, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) (bìa trái) có nhà kiên cố để ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: THIỆN HẢI
Cũng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình bà Phạm Thái Liên ở ấp Chợ được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua lưới phục vụ cho việc đi đánh bắt hải sản được bảo đảm hơn. Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, bà Liên không khỏi xúc động: “Những lao động chính trong gia đình tôi đều đi làm thuê, thu nhập thiếu trước hụt sau. Khoảng 3 tháng nay, khi được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng mua ngư cụ để việc đi biển đánh bắt hải sản thuận lợi hơn thì cuộc sống gia đình tôi dần được cải thiện”.
Theo đồng chí Trần Hàng Cheng, trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND xã đã cụ thể hóa các công việc, tổ chức nhiều cuộc hội nghị quán triệt sâu rộng đến các ban ngành, đoàn thể xã, các ấp và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Đặc biệt là chú trọng thực hiện quy chế tập trung dân chủ ở cơ sở để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, người dân rất đồng thuận và phấn khởi về chủ trương triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, luôn phát huy vai trò, trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của người dân.
Việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đã khích lệ ý chí chủ động, tự lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào Khmer, tạo thêm động lực để những hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
THIỆN HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin