Chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số

08:01, 02/06/2024

STO - Thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Trần Đề (Sóc Trăng) ngày càng phát triển ổn định. Không chỉ cơ sở vật chất mà đời sống tinh thần của đồng bào DTTS cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm và có nhiều chính sách chăm lo.

Huyện Trần Đề có sự đan xen văn hóa giữa dân tộc Kinh, Khmer, Hoa chung sống gắn bó, đoàn kết và tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Với đời sống văn hóa truyền thống đa đạng, phong phú của các dân tộc trên địa bàn huyện đã tạo nên những sắc thái tiêu biểu, vừa mang tính đặc trưng, vừa thống nhất trong nền văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đồng bào Khmer tại huyện Trần Đề chiếm khoảng 46,49% dân số địa phương. Ngoài cơ sở vật chất, huyện Trần Đề còn chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư xây dựng, một số cơ sở thờ tự cũng được xây dựng, sửa chữa với những kiến trúc độc đáo của dân tộc Khmer, Hoa. Các lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong vùng đồng bào DTTS cũng được duy trì tổ chức hằng năm. Qua đó tạo điều kiện tốt hơn cho việc sinh hoạt tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Nghệ thuật sân khấu rô băm của người Khmer tại Trần Đề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2019. Ảnh: VĂN SÔNG

Toàn huyện Trần Đề có 21 điểm trường vùng đồng bào DTTS dạy chữ Khmer. Thực hiện chính sách hỗ trợ, trong giai đoạn 2019 - 2024, huyện đã cấp chi phí học tập cho học sinh nghèo ở các điểm trường với 2.067 học sinh, tổng kinh phí thực hiện trên 1.654 triệu đồng. Cùng với đó, công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS luôn được huyện quan tâm, nâng cao về mặt chất lượng. Trần Đề đã tổ chức nhiều chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nhất là chăm lo cho người nghèo, người DTTS ở vùng sâu, vùng khó khăn. Hiện nay, 57/57 ấp ở huyện đều có tổ y tế hoạt động, chế độ bảo hiểm y tế được thực hiện đúng theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cao tuổi được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế. Từ chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn đã có 226.936 thẻ bảo hiểm y tế được cấp.

Các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa và vùng đồng bào DTTS chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo Thượng tọa Trần Văn Tha - Chi hội phó Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trần Đề, Trụ trì chùa Sê rây Ta Mơn cho biết, chi hội thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam huyện và các ngành liên quan tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, việc dạy chữ Khmer tại chùa được quan tâm đẩy mạnh. Các chùa đã mở lớp sơ cấp Pali và Vi ni được 129 lớp với 3.197 tăng sinh, học sinh và 76 lớp học chữ Khmer cho 2.493 học sinh là con em đồng bào phật tử Khmer theo học. Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trần Đề còn vận động sư sãi, đồng bào phật tử đóng góp vật chất và ngày công cùng chung tay với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân người dân, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS huyện Trần Đề từng bước được cải thiện và nâng cao. Nếu như năm 2019, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện khoảng 38,37 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2023 mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 68,62 triệu đồng/người/năm. Đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự và chung sức phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

HẢI HÀ