Ông Trần Văn Tha, ấp Cây Sộp, xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có kinh tế ổn định hơn nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: THÚY LIỄU
Trong ngôi nhà mới tinh tươm được xây dựng kiên cố bằng bêtông và mái nhà lợp bằng tol thoáng mát, ông Lâm Thiện Nhân, ấp Cây Sộp, xã Kế Thành bộc bạch: “Mấy mươi năm qua, gia đình tôi sống trong căn chòi lá nhỏ, gia đình không đất sản xuất, còn tôi có bệnh không thể làm được việc nặng, chỉ kiếm sống bằng nghề xe ôm. Thu nhập ít ỏi nên tôi không có tiền cất ngôi nhà đàng hoàng để ở. Năm 2023, nhận được sự hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi vô cùng phấn khởi và biết ơn Đảng, Nhà nước. Từ chương trình này, tôi còn được hỗ trợ 10 triệu đồng chuyển đổi ngành nghề. Tôi dùng số tiền đó mua chiếc xe mới để chạy xe ôm. Hiện tại, tôi đã có căn nhà mới ấm cúng và có phương tiện mới làm kế sinh nhai nên đời sống gia đình đã ổn định, với mức thu nhập từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày”.
“Nếu không nhận được sự hỗ trợ 10 triệu đồng để mua một số máy móc phục vụ cho nghề làm mộc thì giờ đây, tôi vẫn đi làm thuê, làm mướn nhiều nơi. Tôi luôn biết ơn Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp đã hỗ trợ, tiếp sức cho hộ nghèo như tôi vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống. Chẳng những tôi được hỗ trợ tiền chuyển đổi ngành nghề mà tôi còn được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới bằng bêtông, mái tol kiên cố, không còn sợ mưa nắng. Giờ tôi cũng đã mở được cơ sở làm mộc tại nhà nên đời sống ổn định, với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng”, ông Võ Công Thắng, ấp Cây Sộp, xã Kế Thành chia sẻ.
Kể từ khi được địa phương hỗ trợ số tiền 10 triệu đồng và con bò cái giống sinh sản để chuyển đổi ngành nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Trần Văn Tha, ấp Cây Sộp, xã Kế Thành đã quyết định không đi làm công nhân ở Bình Dương nữa, mà về lại quê nhà tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Số tiền được hỗ trợ, ông Tha dùng xây dựng chuồng nuôi bò, phần còn lại mua hạt giống dưa leo và thuê đất để trồng dưa. Hiện bò đang phát triển tốt, còn ruộng dưa đang giai đoạn cho trái, hứa hẹn một vụ mùa dưa thắng lợi.
Đồng chí Quách Thị Thuận - Chủ tịch UBND xã Kế Thành cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2030, xã đã tiếp nhận nguồn vốn của Trung ương số tiền hơn 19 tỷ đồng để triển khai các dự án có trong chương trình. Tính đến thời điểm hiện tại, xã đã hỗ trợ đất ở cho 47 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 151 hộ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 599 hộ. Đồng thời, xã triển khai xây dựng 5 công trình đường giao thông nông thôn, chiều dài gần 5km. Tổ chức 10 lớp xóa mù chữ cho 118 người; mở 3 lớp dạy nghề chăn nuôi bò, gà, lươn; thực hiện chăm sóc sức khỏe cho 894 người… Thông qua thực hiện chương trình, tỷ lệ hộ dân tộc Khmer nghèo trên địa bàn xã đã giảm từ 3 - 5%/năm.
THÚY LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin