Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án, huyện Long Phú đã hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, đặc biệt là hỗ trợ chuyển đổi nghề. Cùng với đó là sự cần cù, chịu khó lao động từng bước giúp người dân có thêm điều kiện làm ăn, tăng thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.
Như gia đình bà Dương Thị Hồng Vàng ở ấp Nước Mặn 1, xã Long Phú, huyện Long Phú thuộc diện hộ nghèo, gia đình không đất sản xuất, bà làm công nhân cho công ty thủy sản ở thành phố Sóc Trăng, chồng làm thuê. Từ nhiều năm nay, gia đình sống trong căn nhà đã xuống cấp. Xét thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà từ dự án số 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, với số tiền 44 triệu đồng, gia đình và người thân đóng góp thêm 6 triệu đồng. Hiện ngôi nhà đã được xây dựng hoàn thành, đem lại niềm vui tươi, phấn khởi cho gia đình.
Bà Thạch Thị Phal, ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) được hỗ trợ ghe, lưới đi làm ăn. Ảnh: KIM NGỌC
Hay như bà Thạch Thị Phal, ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, huyện Long Phú không đất sản xuất, lớn tuổi, sinh sống trong căn nhà cũ xập xệ nên chính quyền địa phương đã xét cất cho bà Phal một căn nhà; đồng thời hỗ trợ cho bà Phal mua ghe, lưới đi làm ăn. Hiện tại, cuộc sống của bà Phal từng bước ổn định.
Qua thực hiện chương trình, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cơ bản được đảm bảo ổn định, công tác an sinh xã hội được quan tâm. Năm 2023, qua rà soát toàn huyện có 410 hộ Khmer thoát nghèo, hộ nghèo dân tộc Khmer còn lại 401 hộ, chiếm 5,78%.
Đồng chí Thạch Hoàng Tha - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Phú cho biết: “Hiện nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có bước chuyển biến tích cực nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư về nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn ngày nay được đổi mới, con em đi học ngày càng thuận tiện hơn, đời sống vật chất của đồng bào ngày càng được nâng cao”.
Từ đó đã khẳng định rằng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một chương trình lớn, có hiệu quả rất cao, người dân rất phấn khởi khi được thụ hưởng.
KIM NGỌC - THANH ĐỒNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin