Đồng chí Lý Rotha - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THẠCH PÍCH
Trong 6 tháng đầu năm, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành và địa phương; hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các cấp luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ, kịp thời; công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện có hiệu quả; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được giữ gìn và phát huy; các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây mới; các di tích văn hóa, lịch sử được quan tâm bảo tồn.
Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc, vùng xa, vùng khó khăn tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Tỉnh đã cấp phát 261.663 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, khám, chữa bệnh cho 20.304 lượt người dân tộc thiểu số, với chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hơn 26,8 tỷ đồng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục ổn định; tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, sư sãi và đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổng nguồn vốn giao năm 2024 và vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là hơn 528.480 triệu đồng (ngân sách trung ương 473.966 triệu đồng, ngân sách địa phương 54.514 triệu đồng). Tính đến ngày 31/5/2024, giải ngân 97.281/528.480 triệu đồng, đạt tỷ lệ 18,41%. Trong 6 tháng qua đã hỗ trợ đất ở cho 4 hộ, nhà ở cho 314 hộ, chuyển đổi nghề cho 152 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 86 hộ; đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng tuyến ống mạng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung; tiếp tục duy trì các mô hình phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cộng đồng năm 2022 - 2023; triển khai thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng chuyển tiếp và xây dựng mới 58 công trình...
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và trình bày một số khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai, thực hiện chương trình; đánh giá công tác giải ngân các dự án 6 tháng đầu năm 2024 còn chậm so với kế hoạch đã đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lý Rotha đề nghị trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục rà soát lại các tiểu dự án thuộc thẩm quyền của huyện; quan tâm công tác dân tộc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư của chương trình đạt theo kế hoạch đã đề ra; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để việc triển khai thực hiện các chính sách luôn nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong tỉnh.
THẠCH PÍCH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin