Kỳ 1: Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo
Xác định công tác dân tộc và chăm lo đời sống ĐBDTTS là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, thị xã Ngã Năm đã tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án… trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 - 2025, trong đó, có việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ĐBDTTS, qua đó, từng bước giúp cho hộ nghèo có thêm điều kiện làm ăn, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên để ổn định đời sống.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp
Là xã có hơn 30% dân số là đồng bào Khmer, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Vĩnh Quới được triển khai nhiều chương trình, dự án cho vùng ĐBDTTS, trong đó, có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS. Qua quá trình triển khai thực hiện từng bước, đảm bảo kịp thời, người dân rất phấn khởi khi được nhận hỗ trợ.
Là 1 trong 77 hộ trên địa bàn thị xã được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề, mua xe gắn máy, những ngày qua, việc đi lại mua bán của anh Thạch Thường, ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Là hộ Khmer nghèo, hai vợ chồng anh dắt nhau lên Bình Dương làm công nhân. Khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2021, vợ chồng anh Thạch Thường trở về quê nhà, được cha mẹ cho cái nền cất nhà ở riêng, làm thuê sinh sống. Những năm qua không có phương tiện đi lại nên việc làm ăn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, khi được xét chọn hỗ trợ 10 triệu đồng chuyển đổi ngành nghề, anh đã mua xe máy vừa làm phương tiện đi lại, vừa chở trái cây đi bán. Anh Thạch Thường cho biết: “Có xe máy, tôi mua dưa hấu tại vườn, rồi chở ra chợ huyện Mỹ Tú bán lẻ, thu nhập mỗi tháng cũng được 7 - 8 triệu đồng. Vợ tôi ở nhà trông con và mới vừa sanh thêm bé nhỏ nên giờ tôi phải chăm chỉ hơn nữa”.
Còn bà Sơn Thị Lùng, ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Quới, với số tiền 10 triệu đồng được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS, bà Lùng đã mua 1 con heo nái giống, sửa chữa lại chuồng heo cũ và mua thức ăn cho heo trong những tháng đầu. Tận dụng đất vườn sau nhà, bà trồng thêm rau để làm thức ăn cho heo. Sau gần 4 tháng nuôi, bà chuẩn bị xuất chuồng lứa heo đầu tiên, với 13 con heo con, dự tính thu nhập trên 20 triệu đồng. Bà Lùng bộc bạch: “Gia cảnh neo đơn, trước đây tôi làm công nhân ở Khu Công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng), nay tuổi đã lớn không làm công nhân được nữa nên trở về quê sinh sống bằng nghề làm thuê. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để chuyển đổi sang chăn nuôi như "một chiếc cần câu" giá trị, giúp tôi có điều kiện để vươn lên thoát nghèo”.
Bà Sơn Thị Lùng, ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) được hỗ trợ 10 triệu đồng phát triển mô hình chăn nuôi heo. Ảnh: CHÍ BẢO
Còn hộ ông Nguyễn Văn Kiệt, ở ấp Vĩnh Phong, xã Vĩnh Quới là hộ nghèo không đất sản xuất. Năm 2023 được chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn vốn gần 10 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS, gia đình ông mạnh dạn mua 100 con vịt xiêm để chăn nuôi. Sau thời gian gần 3 tháng nuôi, gia đình ông xuất bán với giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí lợi nhuận gần 10 triệu đồng. Thời gian tới, với số vốn được hỗ trợ cộng với số tiền lợi nhuận, gia đình tiếp tục thực hiện mô hình nuôi vịt xiêm, với quy mô tăng gấp đôi so với số lượng nuôi ban đầu. Theo ông Kiệt, việc hỗ trợ nguồn vốn như hiện tại rất có ý nghĩa với hộ nghèo vùng DTTS ở địa phương, chính quyền đã trao “cần câu” làm điều kiện cho bà con vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Tạo sinh kế để vượt khó, thoát nghèo
Theo đồng chí Bành Phước An - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, hiện nay, thị xã Ngã Năm có 1 đơn vị là xã vùng DTTS (xã Vĩnh Quới) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và có 2 ấp (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Quới và ấp Long Thành, xã Tân Long) đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc. Việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề cho người DTTS những năm gần đây được thị xã quan tâm thực hiện đúng đối tượng, theo quy định, đạt nhiều kết quả tích cực. Thời gian qua, thị xã đã tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án… trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025, với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ĐBDTTS, qua đó, từng bước giúp hộ nghèo DTTS có thêm điều kiện làm ăn, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên để ổn định đời sống.
Đến nay, từ chương trình đã hỗ trợ đất ở 1 hộ với số tiền 44 triệu đồng; hỗ trợ nhà ở 35 hộ với số tiền trên 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề 77 hộ với số tiền 667,663 triệu đồng và trong năm 2024 tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi nghề 10 hộ với số tiền 100 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 9 hộ với số tiền 27 triệu đồng. Ngoài ra, thực hiện 2 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng (mô hình nuôi vịt xiêm Pháp, cá lóc vèo tại ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Quới và mô hình nuôi vịt xiêm Pháp tại ấp Long Thành, xã Tân Long), với số tiền trên 343 triệu đồng và sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng trong năm 2024.
Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm tạo điều kiện cho các hộ Khmer nghèo được tiếp cận, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao mức sống, điều kiện sinh hoạt. Vì vậy, công tác triển khai đang được thị xã Ngã Năm tập trung thực hiện, đảm bảo đúng về đối tượng, kịp tiến độ, để các hộ có điều kiện vươn lên, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS thời gian tới.
CHÍ BẢO
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin