Từ nguồn vốn của Dự án 1 đã giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng tới năm 2030. Bà Thạch Thị Huông ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã được hỗ trợ mua máy ép nước mía để bán nước giải khát, có thêm nguồn thu nhập hằng ngày. Theo bà Huông, từ mô hình kinh doanh nhỏ này đã giúp bà có thêm thu nhập hằng tháng khoảng 4,5 triệu đồng, cộng với việc buôn bán nhỏ có thể thu nhập tương đương 6 triệu đồng/tháng, góp phần giải quyết các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Không chỉ ở Cù Lao Dung, thời gian qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn từ năm 2021 - 2025 ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng đem lại hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao. Tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề, nguồn vốn của Tiểu dự án 2 Dự án 3 của chương trình đã giúp địa phương có hơn 74% dân số là đồng bào Khmer sinh sống có bước phát triển mới. Theo đó, xã đã hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong quá trình triển khai mô hình, UBND xã thường xuyên đồng hành, hỗ trợ người dân về khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản để việc chăn nuôi đạt hiệu quả. Đây cũng là tư liệu sản xuất giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giúp địa phương hoàn thành và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Đồng bào Khmer ở Mỹ Tú tích cực chăn nuôi để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Ảnh: HẢI HÀ |
Mỹ Tú cũng là địa phương có đồng bào Khmer sinh sống và được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thời gian qua, nhiều hộ nghèo không chỉ được hỗ trợ sản xuất, nhà ở mà diện mạo vùng đồng bào Khmer còn khởi sắc từ việc đầu tư các công trình giao thông nông thôn. Theo đồng chí Lê Thanh Vị - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mỹ Tú, cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, nhất là đầu tư hạ tầng, mô hình giảm nghèo, chuyển đổi nghề, mô hình phát triển kinh tế, chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ vốn sản xuất. Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã hỗ trợ đất ở và nhà ở cho 119 hộ, chuyển đổi nghề 53 hộ, nước sinh hoạt phân tán 64 hộ và xây dựng 9 công trình giao thông nông thôn tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số; duy tu, sửa chữa hơn 6 công trình giao thông, xây dựng mô hình hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế… Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer.
Nhiều hộ nghèo là đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Trần Đề được hỗ trợ nhà ở. Ảnh: HẢI HÀ |
Để triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ tại địa phương, đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh lồng ghép, triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời huy động thêm nguồn lực để chăm lo thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho hộ nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, kinh tế của các hộ dân vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn 4.116 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, giảm 6.545 hộ so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm, trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%/năm. Đây là động lực để các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đồng bào Khmer tiếp tục được nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
HẢI HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin