Bàn về xu hướng phát triển các sản phẩm đa phương tiện trên báo chí hiện nay

05:26, 17/07/2024

STO - Multimedia Communication là thuật ngữ tiếng Anh dùng để chỉ khái niệm truyền thông đa phương tiện, trong đó, Multimedia nghĩa là đa phương tiện, còn Communication là truyền thông.

Đây là thuật ngữ ra đời từ khoảng giữ thế kỷ XX. Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, lần đầu tiên cụm từ này được sử dụng để miêu tả một buổi trình diễn có sự kết hợp của nhạc rock, chiếu bóng, ánh sáng và trình diễn nghệ thuật. Hiện nay, thuật ngữ truyền thông đa phương tiện xuất hiện thường xuyên trên báo chí truyền thông. Xét từ góc độ loại hình, Multimedia Communication là loại hình truyền thông, trong đó bao gồm: (i) Có sự kết hợp nhiều phương tiện như: văn bản, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, video, âm thanh, đồ họa... (ii) Dữ liệu đều được biểu diễn, xử lý, lưu trữ bằng kỹ thuật số, dưới nhiều dạng phương tiện chuyển hóa thông tin; có tính đồng bộ trên nền tảng và hệ sinh thái số. (iii) Sử dụng công nghệ thông tin và mạng máy tính trong sáng tạo, thiết kế, sản xuất và truyền thông điệp. (iv) Được sản xuất, lưu trữ, truyền tải, phân phối tới người xem qua mạng máy tính, phương tiện điện tử hay các thiết bị thông minh.

Bản chất của Multimedia Communication được quy định bởi đặc trưng của Multimedia, với 4 khía cạnh căn bản: (1). Nội dung số - dữ liệu được số hóa; (2). Tích hợp đa mã ngôn ngữ biểu đạt; (3). Kỹ thuật số và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; (4). Tồn tại và tương tác trong hệ sinh thái số hay môi trường truyền thông số.

Nguồn: Tạp chí Người Làm báo

Truyền thông đa phương tiện có những đặc điểm cơ bản gồm: Thứ nhất, chủ thể bao gồm cả chủ thể phát và đối tượng tiếp nhận; cả người và máy/robot, cùng có năng lực phát, nhận, phân tích nội dung và tương tác. Thứ hai, thông điệp được thiết kế từ nội dung chéo dựa trên các yếu tố đa phương tiện, các chương trình tương tác, được tạo lập, ứng dụng và phát triển trong hệ sinh thái số. Thứ ba, được điều khiển bởi hệ thống điều khiển, được thiết kế và vận hành trong một hệ sinh thái truyền thông số tương ứng.

Có 3 tính chất cơ bản của truyền thông đa phương tiện, đó là real-time (tính thời gian thực). Khi hệ thống chuyển tiếp thông tin đến người dùng ở tốc độ gần như ngay lập tức hoặc có độ trễ cực ngắn khi có một sự kiện nào đó xảy ra. Truyền thông đa phương tiện đáp ứng yêu cầu về tính thời gian thực. Thông qua nền tảng trên môi trường internet, các chủ thể truyền thông trong cùng một thời điểm có thể cùng sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, tiếp cận, tiếp nhận thông điệp truyền thông, cùng tương tác và phản hồi. Livestreaming (phát trực tiếp) và tele-conference (tổ chức những cuộc họp thông qua hệ thống tivi, điện thoại, máy tính, radio). Bên cạnh tính chất thời gian thực, còn có tính tương tác, tính đồng bộ của thông tin dữ liệu và tính hội tụ. Đáng chú ý nhất là tính hội tụ, gồm 5 khía cạnh: (i) hội tụ công nghệ; (ii) hội tụ kinh tế; (iii) hội tụ xã hội và hữu cơ; (iv) hội tụ văn hóa và cuối cùng là hội tụ toàn cầu.

Xét về góc độ nội dung, có 3 thành tố cơ bản của Multimedia, gồm: Một là text (văn bản), trong đó có văn bản thô, văn bản đã định dạng và siêu văn bản. Hai là sound (âm thanh) là những lời nói, tiếng động và âm nhạc đã chuyển định dạng số, tiện ích như: WAV, MP3, FLAC… Và ba là visuals (yếu tố thị giác) bao gồm analog (tương tự), digital (kỹ thuật số) và still or Moving (hình ảnh tĩnh và hình ảnh động, các ứng dụng mở như: BMP, JPG, GIF, TIF, PNG, AVI…).

Có thể khẳng định rằng, sự bùng nổ của internet đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Báo chí truyền thống tuy rằng cũng sẽ phát triển tương đối độc lập và có những ưu thế riêng nhưng chắc rằng, các sản phẩm đa phương tiện với hình thức và nội dung sinh động, hấp dẫn đã, đang và sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của rất nhiều công chúng hiện nay. Nói cách khác, tương lai của báo chí sẽ thuộc về truyền thông đa phương tiện. Một minh chứng cụ thể để thấy rõ điều này đó là, chẳng hạn một bản tin được đăng trên báo in, độc giả phải trực tiếp đọc tờ báo mới tiếp nhận được thông tin, hình ảnh. Nhưng cũng chính thông tin ấy, khi có sự “can thiệp” của các sản phẩm đa phương tiện sẽ xuất hiện trên website, và lập tức độc giả sẽ có thể tiếp cận được bản text, nghe, xem hình ảnh, video có liên quan với nhiều dạng thức vô cùng hấp dẫn như: infographic, E-Magazine, Longform, Media,... Xu hướng phát triển này sẽ làm cho thế giới “phẳng” đi, nói cách khác sẽ “xóa nhòa” khoảng cách thời gian và không gian trong việc tiếp cận thông tin của toàn nhân loại.

Chính những điều này dẫn đến xu hướng tất yếu về nhu cầu ngày càng cao hơn, đa dạng hơn, khắt khe hơn đối với độc giả. Nếu như một tờ báo in với những tin, bài, ảnh; những chương trình phát thanh, truyền hình buộc khán - thính giả đợi mua báo, chờ giờ phát sóng... thì nay báo online sẽ giả quyết được “tất tần tật” vấn đề này. Thậm chí, độc giả ngày nay, đôi khi bị phân tâm bởi nhiều hình thức cung cấp thông tin với sự tiếp nhận của toàn bộ các giác quan, cảm quan: đọc, nghe, nhìn, đối thoại, tham gia trực tiếp... và tương lai của báo chí sẽ còn đang thay đổi bởi các khả năng khác nhau để chuyển tải thông tin nóng đến độc giả.

Chính sự xuất hiện đa dạng các loại hình, sản phẩm hấp dẫn sẽ tương tác mạnh mẽ đến xu hướng tiêu thụ thông tin của mọi người. Chính điều này buộc các tờ báo sẽ phải “nâng cấp toàn diện” để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Không chịu khó, đổi mới, sáng tạo sẽ nhanh chóng mất đi độc giả. Tư duy mới, kiến tạo, quyết tâm, kết nối, hội tụ, dám nghĩ, dám làm,… là những thuật ngữ buộc các nhà lãnh đạo cơ quan báo phải “chẽ nhỏ” ra từng vấn đề, thực hiện từng bước cụ thể mới có thể phát triển được. Và chắc chắn rằng, phóng viên - đội ngũ trực tiếp “tác chiến” với các sản phẩm đa phương tiện sẽ phải là những người cần cố gắng nỗ lực rất nhiều. Nói cách khác, nhà báo thời truyền thông đa phương tiện buộc phải có rất nhiều kỹ năng mới để sử dụng thành thạo các sản phẩm công nghệ hỗ trợ như: laptop, điện thoại di động có định vị vệ tinh, máy ảnh, ghi âm và camera kỹ thuật số...

Có thể thấy rằng, xu hướng phát triển sản phẩm đa phương tiện của các cơ quan báo chí là điều tất yếu. Các cơ quan báo chí buộc phải “đồng bộ hóa” tất cả các hoạt động của mình từ tư duy tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo đến kết tạo hướng đi; từ việc tranh thủ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trực tiếp và gián tiếp thực hiện các sản phẩm báo chí hiện đại; từ việc hoàn thiện các quy trình đến việc xây dựng khung tiêu chí định lượng các sản phẩm này; từ việc liên kết, phối hợp tuyên truyền nhằm đa dạng hóa nguồn thu đến việc sử dụng hiệu quả nguồn tài chính theo đúng quy định của pháp luật,.v.v.. Có những điều này, các cơ quan báo chí mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.

TRỌNG NHÂN