Báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc xử lý văn bản trên môi trường điện tử. Qua 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ văn bản điện tử cấp tỉnh đạt 93,46%, cấp huyện đạt 87,15%, cấp xã đạt 87,11%.
Các ngân hàng thương mại đã kết nối với Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh để phối hợp thu ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện nghĩa vụ tài chính. Toàn tỉnh đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 5.772/53.697 người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội, đạt tỷ lệ 10,69%.
Đại biểu dự cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HẢI HÀ
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã hoàn thành hợp nhất từ Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa của tỉnh, hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu cá nhân, tổ chức lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ dịch vụ công toàn trình của tỉnh đạt 62.92%. Công an tỉnh đã thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân đối với 1.383.017 trường hợp công dân đủ điều kiện và có 702.294 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã báo cáo thêm tình hình chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số của tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, chuyển đổi số là xu thế khách quan tất yếu trong thời đại ngày nay. Đó là cơ hội cho các nước, các tỉnh, các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không quyết tâm, quyết liệt thực hiện sẽ có nguy cơ tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa. Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, mà phải được hiểu là mức đột phá, một “cơ hội chưa từng có” trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: HẢI HÀ
Chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong công tác chuyển đổi số của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí trang thiết bị để bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến hoặc phục vụ nhu cầu nộp hồ sơ trực tuyến của người dân, doanh nghiệp. Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện số hóa hồ sơ, cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu ngành, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các sở, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kho cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối vào Trung tâm IOC. Từ cơ sở dữ liệu đó đưa ra đánh giá, dự báo tình hình, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về tài chính và trang thiết bị trước tháng 8/2024. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo để chỉ đạo thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ tình hình biên chế đã giao để bố trí nhân sự phục vụ công tác chuyển đổi số bảo đảm hiệu quả. Quan tâm việc kiểm tra công tác chuyển đổi số tại các sở, ngành, địa phương theo kế hoạch đã ban hành. Việc kiểm tra phải thực hiện nghiêm túc, đánh giá cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.
HẢI HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin