Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia

11:54, 31/08/2024

STO - Sáng 31/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự tại điểm cầu UBND tỉnh Sóc Trăng có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự còn có các thành viên trong Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao, lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HẢI HÀ

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để bước vào giai đoạn 3 - Phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%. Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất.

Nhận định tình hình trong thời gian qua, Thủ tướng cho biết, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công lẫn khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương. Tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự hội nghị chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tham khảo, nhân rộng. Đồng thời cần nhìn nhận thẳng thắn những thách thức, tồn tại, bất cập, nhất là những điểm nghẽn. Chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

HẢI HÀ