Chuyển đổi số tạo sự đột phá trong công tác kiểm sát

07:02, 30/08/2024

STO - Chuyển đổi số chính là bước đi “mạnh” trong chặng đường phát triển thời đại 4.0 và là cơ hội vô giá cho mọi sự phát triển. Chính vì thế, viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp Sóc Trăng đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong công tác kiểm sát từ công cuộc chuyển đổi số.

Nhất quán trong thực hiện chuyển đổi số

Theo đồng chí Lê Nguyễn Trường Sơn - Phó Viện trưởng phụ trách VKSND tỉnh Sóc Trăng, đơn vị đã quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-VKSTC, ngày 18/12/2023 của Viện trưởng VKSND Tối cao về công tác kiểm sát năm 2024 và Kế hoạch số 221/KH-VKSTC, ngày 15/12/2023 về chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát năm 2024. Ngay từ đầu năm, Ban lãnh đạo VKSND tỉnh đã đưa nhiệm vụ đột phá này vào kế hoạch công tác năm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trong hai cấp kiểm sát. Theo đó, Viện trưởng VKSND tỉnh đã quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (Viện trưởng VKSND tỉnh là trưởng ban); ban hành kế hoạch về chuyển đổi số năm.

Quan điểm xuyên suốt của chuyển đổi số trong hai cấp kiểm sát Sóc Trăng là lấy công chức và người lao động làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực. Chuyển đổi số là bài toán chủ yếu về thay đổi nhận thức, thể chế và phụ thuộc vào quyết tâm, cách làm của người đứng đầu. Hằng tháng, giao ban công tác, lãnh đạo đơn vị đều có đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn. Đặc biệt, gắn công tác này với công tác thi đua khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích các đơn vị, công chức kiểm sát hai cấp Sóc Trăng tích cực thi đua lập thành tích, nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số.

Cán bộ, kiểm sát viên hai cấp chú trọng xây dựng sơ đồ tư duy trong giải quyết án. Ảnh: đơn vị cung cấp

Để thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về chuyển đổi số, lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo hai cấp kiểm sát kịp thời cập nhật số liệu vào các phần mềm quản lý án dân sự, hình sự, nhân sự, khiếu nại tố cáo... để góp phần xây dựng kho dữ liệu số, dữ liệu dùng chung trong toàn ngành kiểm sát. Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Hệ thống quản lý văn bản và điều hành kết hợp với việc ký số trên hệ thống để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, hướng tới đưa toàn bộ hoạt động hành chính lên môi trường số. Chỉ đạo tăng cường khai thác ứng dụng truyền hình trực tuyến (Vmeet kết hợp Zoom) phục vụ tốt các hội nghị giao ban, sơ kết công tác kiểm sát, hội nghị chuyên đề...

“Chuyển đổi" để nâng cao

Xác định năm 2024 là năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các mục tiêu trong quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Do vậy, các mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ đề ra bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của đơn vị gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm quyết tâm vượt khó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất.

Đối với việc quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc trên môi trường số được lãnh đạo hai cấp thường xuyên chỉ đạo đơn vị cập nhật dữ liệu đầy đủ, kịp thời, chính xác vào hệ thống quản lý án hình sự và hệ thống quản lý án dân sự. Riêng việc xây dựng sơ đồ hóa chứng cứ trong giải quyết các vụ án, vụ việc, lãnh đạo VKSND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể cho năm 2024. Theo đó, đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt cũng như từng mục tiêu cụ thể như: thực hiện báo cáo đánh giá tài liệu chứng cứ, trước khi cơ quan điều tra kết thúc điều tra bằng sơ đồ tư duy ít nhất 15%/số lượng vụ án kết thúc điều tra; báo cáo đề xuất việc giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm bằng sơ đồ tư duy ít nhất 10%/số vụ án mà viện kiểm sát phải tham gia xét xử sơ thẩm (lĩnh vực dân sự). Đơn vị cũng đã tổ chức 2 lớp tập huấn ứng dụng phần mềm Xmind trong việc xây dựng sơ đồ tư duy báo cáo án cho công chức hai cấp kiểm sát Sóc Trăng. Đến nay, hai cấp đã xây dựng được 229 sơ đồ tư duy trong lĩnh vực hình sự; 211 sơ đồ tư duy trong lĩnh vực dân sự. Từ đó, kiểm sát viên có thể hệ thống đầy đủ nội dung vụ án, báo cáo đề xuất đường lối giải quyết vụ án cụ thể, rõ ràng, giúp lãnh đạo dễ dàng nắm bắt, đưa ra quyết định chỉ đạo giải quyết một cách nhanh chóng, chính xác.

Việc số hóa hồ sơ vụ án hình sự, dân sự, hành chính ít nhất 50%/số lượng vụ án thụ lý kiểm sát. Hiện hai cấp kiểm sát Sóc Trăng đã số hóa được 86 hồ sơ vụ án hình sự; 857 hồ sơ vụ án dân sự. Nhưng việc lưu trữ tài liệu, hồ sơ số hóa chưa được tập trung;, đa phần là các đơn vị tự lưu trữ. Lãnh đạo VKSND tỉnh còn chỉ đạo quyết liệt trong việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong việc trao đổi xử lý công việc hành chính. Kết hợp với việc sử dụng chữ ký số để ban hành các văn bản điện tử. Điểm đáng ghi nhận, công tác bảo mật thông tin tài liệu, dữ liệu công tác trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị được đảm bảo, không xảy ra vi phạm, lộ lọt thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước tại cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo thực hiện nghiêm trong việc sử dụng, bảo quản chứng thư số, chữ ký số đã được cấp; đảm bảo công tác quản lý, lưu trữ, sử dụng các tài liệu, dữ liệu mật đảm bảo đúng quy định. Hai cấp còn thực hiện 12 video clip phục vụ báo cáo tổng kết công tác kiểm sát được trực quan, sinh động và dễ nắm bắt...

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành được lãnh đạo VKSND tỉnh tập trung triển khai thực hiện, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác nghiệp vụ và thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đây chỉ mới là bước đầu thực hiện nên vẫn còn nhiều “trở ngại”, nhất là về con người nên đòi hỏi VKSND hai cấp cần phải có sự quyết tâm hơn với những định hướng chắc, bền và thiết thực, hiệu quả.

SỚM MAI