Sản xuất bảng mạch tại Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). (Ảnh An Khánh)
Tuy nhiên, khoảng 95% giá trị xuất khẩu của ngành này vẫn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, có chính sách đột phá để công nghiệp điện tử phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn.
Vẫn dừng ở công đoạn lắp ráp
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành điện tử đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tổng cục Thống kê cho hay, xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện giai đoạn này tăng trưởng bình quân 23,8%/năm, đưa Việt Nam từ vị trí 47 toàn cầu vào năm 2001 lên vị trí thứ 12 và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử. Riêng năm 2022, ngành điện tử đạt kim ngạch xuất khẩu 114,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so năm 2021 và chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), ngành điện tử Việt Nam hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, ti-vi, máy giặt, điện thoại, máy in,… Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, mầu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Sự phát triển vượt bậc của ngành điện tử chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Nhưng hệ lụy dẫn đến là ngành cũng đang phụ thuộc quá lớn vào khối ngoại khi có đến 95% kim ngạch xuất khẩu đang thuộc về các doanh nghiệp FDI. Năng lực doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu nên thị trường điện-điện tử dân dụng trong nước hiện đa phần do thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp. Ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở công đoạn lắp ráp trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử, còn những sản phẩm có thương hiệu để xuất khẩu gần như không có.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Phó Cục trưởng Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, các sản phẩm điện tử thường có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi năng lực của doanh nghiệp trong nước hạn chế, không đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như thương hiệu. Vì vậy, các công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất nước ngoài. Mặt khác, do năng lực sản xuất của doanh nghiệp nội thấp nên chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của các doanh nghiệp FDI, dẫn đến mối liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.
Cơ hội đón làn sóng dịch chuyển mới
Sau những diễn biến của đại dịch Covid-19 cùng hàng loạt biến động về chính trị-kinh tế-xã hội trên thế giới và khu vực, ngành điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón làn sóng dịch chuyển đầu tư và tái cơ cấu chuỗi giá trị trong thời gian tới. Thực tế vừa qua, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Pegatron, Intel,… đều bày tỏ sự quan tâm và có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất các sản phẩm điện tử tại Việt Nam, trong đó có một số sản phẩm hàm lượng công nghệ cao. Tập đoàn Samsung cũng đang đẩy mạnh hơn các hoạt động tìm kiếm, kết nối với doanh nghiệp cung ứng nội địa để tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị của tập đoàn này tại Việt Nam. Bà Ðỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định: Trong bối cảnh thị trường chung biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba, chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia. Ðây là cơ hội để ngành điện tử Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực vốn, kinh nghiệm quản trị cũng như trình độ sản xuất và công nghệ.
Tuy nhiên, những thách thức mà ngành điện tử đang phải đối mặt đòi hỏi Nhà nước phải kịp thời điều chỉnh chính sách thu hút FDI có chọn lọc để tận dụng hiệu quả làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam; tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh số hóa; tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp có triển vọng trong lĩnh vực điện tử phát triển, từ đó đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, nhất là các sản phẩm điện-điện tử gia dụng. Phó Cục trưởng Phạm Tuấn Anh nhận định, trong thời gian tới, cần xây dựng một chiến lược hỗ trợ dài hơi, giúp biến đổi ngành từ việc lắp ráp đơn giản sang sản xuất, chế tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ðầu tiên, cần thúc đẩy phát triển các sản phẩm như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử quan trọng. Nguồn lực để sản xuất các sản phẩm có vòng đời lâu dài như vậy đòi hỏi đầu tư lớn, mất thời gian 10-20 năm, nhưng đầu tư liên tục là cần thiết để cải thiện năng lực sản xuất, khoa học công nghệ, góp phần tạo ra việc làm có giá trị gia tăng cao cũng như tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, cần phát triển ngành điện tử hài hòa cả phần cứng, phần mềm để tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo; tập trung hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua hợp tác chung giữa tập đoàn lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về phía các doanh nghiệp điện tử, cần chú trọng hơn tới việc xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả. Mỗi doanh nghiệp cần tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp, đồng thời cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng cũng như phát triển công nghệ chung của thế giới trong thời đại hiện nay. Trên cơ sở đó, giúp cho doanh nghiệp nội tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt
CHÍ CÔNG/BÁO NHÂN DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin