Nguồn vốn khuyến công tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển

08:10, 02/08/2023

STO - Thời gian qua, từ nguồn vốn của chương trình khuyến công, Sóc Trăng đã tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới dây chuyền máy móc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả.

Được tiếp sức từ Đề án Khuyến công quốc gia năm 2022, Hộ kinh doanh Trạm dừng chân Minh Khải ở ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã có điều kiện đầu tư mua mới 1 máy bơm nhân kim sa và 1 máy gói bánh pía, để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất bánh pía của doanh nghiệp. Ông Phạm Văn Kiệt - đại diện Hộ kinh doanh Trạm dừng chân Minh Khải phấn khởi cho biết, tổng kinh phí đầu tư 2 máy trên 709 triệu đồng, trong đó có 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ, nên hộ kinh doanh mạnh dạn đổi mới máy móc với công nghệ tiên tiến. Nhờ đó, giúp hộ kinh doanh có điều kiện cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất từ 100 tấn/năm lên 140 tấn/năm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, cũng như tiết kiệm chi phí điện năng tiêu thụ, nhất là chất lượng sản phẩm đồng đều và được cải thiện tốt hơn nhiều so với làm thủ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Công nhân làm việc tại Hộ kinh doanh Trạm dừng chân Minh Khải, ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) không còn gói bánh thủ công vì quy trình sản xuất bánh pía (kim sa) đã được tự động hóa. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo ông Hà Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại bánh kẹo Ba Xuyên, phường 3, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), chính nhờ nguồn vốn từ chương trình khuyến công địa phương năm 2022 mà công ty ông đã phát triển tốt và có điều kiện tái gia nhập thị trường nội địa sau thời gian dài hoạt động cầm chừng, thậm chí ngưng hoạt động vì đại dịch Covid-19. Đề án khuyến công đã hỗ trợ công ty đầu tư mua mới máy đóng gói sữa chua, với nhiều tính năng hiện đại, điều khiển bằng màn hình cảm ứng được lập trình PLC… dễ dàng trong sử dụng và chỉ cần 1 người đứng máy. Máy có công suất 14.000 lít/tháng, nếu so với công nghệ cũ tăng 4.000 lít/tháng. Việc đầu tư máy móc hiện đại góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, đa dạng hóa sản phẩm, giảm được giá thành, cải tiến chất lượng sản phẩm và hạn sử dụng cũng được lâu hơn, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường so với các sản phẩm cùng loại.

Là một trong những doanh nghiệp được thụ hưởng từ chương trình khuyến công quốc gia năm 2022, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bánh pía - lạp xưởng Tân Lộc Phát, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã được tiếp thêm nguồn vốn 300 triệu đồng để đầu tư ứng dụng 1 lò nướng bánh pía băng chuyền và 1 máy gói bánh, bao nhân tự động, với tổng kinh phí 687 triệu đồng. Lò nướng bánh pía băng chuyền với công suất 50 - 100 cái/phút và 1 máy gói bánh, bao nhân tự động với công suất 50 - 100 cái/phút. Nếu so với làm thủ công thì năng suất đạt rất cao, khoảng 28 tấn/tháng. Theo lãnh đạo công ty, tết Trung thu năm nay, doanh nghiệp sẽ có nhiều thị trường mới và dự báo doanh thu sẽ tăng cao.

Máy đóng gói sữa chua với tính năng hiện đại đã và đang giúp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại bánh kẹo Ba Xuyên, phường 3, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) sản xuất ổn định, phát triển. Ảnh: HOÀNG LAN

Để tiếp sức, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đồng chí Chung Chí Trường - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Sở Công Thương) cho biết, trong năm 2022, đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành 19/19 đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, hỗ trợ 15 cơ sở công nghiệp nông thôn được đầu tư nguồn vốn để đổi mới, ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, với tổng kinh phí thực hiện gần 7 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn kinh phí đối ứng của các đơn vị thụ hưởng trên 3 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tiếp cận được người tiêu dùng khó tính… hướng đến phát triển ổn định, bền vững.

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2023, Sở Công Thương giao Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện 18 đề án khuyến công, ước tổng kinh phí trên 10,2 tỷ đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh, đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất sạch, giảm chi phí nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức 6 hội nghị tập huấn về công tác khuyến công cho các huyện, thị xã trong tỉnh, qua đó tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật nhà nước liên quan về hoạt động khuyến công, hướng dẫn trình tự lập, triển khai đề án khuyến công. Phổ biến các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác khuyến công và các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các huyện, thị xã, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công tại các xã, phường, thị trấn… Nhằm từng bước nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác khuyến công tại các địa phương trong tỉnh.

HOÀNG LAN