Sản xuất và tiêu dùng bền vững - xu hướng phát triển tất yếu

05:25, 10/08/2024

STO - Hiện nay, xu hướng chuyển từ sản xuất và tiêu dùng truyền thống sang sản xuất và tiêu dùng bền vững đang phát triển tất yếu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và người dân ý thức hơn đối với vấn đề này, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Mấy chục năm trong nghề sản xuất bánh pía, lạp xưởng theo kiểu thủ công, Cơ sở Bánh pía - lạp xưởng Mỹ Anh, ấp Thọ Hòa Đông, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại thay cho sản xuất kiểu cũ. Theo bà Thái Thị Mỹ Nhung - Chủ cơ sở, sự thay đổi sản xuất xuất phát từ nhu cầu người tiêu dùng, sự cạnh tranh, nhất là chủ trương của Đảng và Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững. Từ năm 2010, cơ sở mạnh dạn đầu tư dây chuyền nướng bánh pía từ than, củi sang nướng bằng lò điện, gas. Việc này không chỉ giúp cơ sở tiết kiệm được nguồn nhân công mà chất lượng, sản lượng sản phẩm tăng lên đáng kể; đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động, giảm khí thải không tốt từ than, củi.

“Trong năm 2023, cơ sở được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình khuyến công quốc gia, giúp cơ sở đầu tư máy đóng gói, chảo xào nhân tự động. Vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa cải thiện mẫu mã bao bì sản phẩm. Bởi máy móc hiện đại nên tỷ lệ lỗi trong quá trình đóng gói hầu như không có, không phải loại bỏ các bao bì bị hỏng. Hiện cơ sở đang từng bước chuyển đổi sang sử dụng bao bì bằng giấy thân thiện môi trường nhưng kinh phí đầu tư khá cao. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước cũng như việc chuyển đổi phải có thời gian, lộ trình để doanh nghiệp thích nghi dần và có đủ nguồn lực thực hiện sản xuất xanh” - bà Thái Thị Mỹ Nhung thông tin.

Cơ sở Bánh pía - lạp xưởng Mỹ Anh, ấp Thọ Hòa Đông, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đang dần chuyển sang sử dụng bao bì bằng giấy thân thiện với môi trường thay cho bao bì nhựa, hướng đến sản xuất bền vững. Ảnh: HOÀNG LAN

Cùng nhận định với chủ Cơ sở Bánh pía - lạp xưởng Mỹ Anh, vợ chồng anh Nguyễn Văn Huynh và chị Trương Thị Bạch Thủy, xã Phú Tân, huyện Châu Thành thấy xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng phát triển, người dân thích sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết và đây cũng là dự án khởi nghiệp của anh chị. Với lợi thế được kế thừa nghề đan đát truyền thống của gia đình, anh chị đã tận dụng và phát huy đưa nghề đan đát lên tầm cao mới. Hiện hợp tác xã phát triển được khoảng 500 sản phẩm chuyên về trang trí, nội thất, tiêu dùng, quà lưu niệm đều được làm mây, tre, nứa, lục bình, cói, cỏ bàn. Song song đó, hợp tác xã còn tham gia thực hiện các công trình: trang trí quán cà phê, làm nhà tre cho homestay, tiểu cảnh… cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tất cả nguồn nguyên liệu được sử dụng cũng từ tre, nứa… thân thiện với môi trường.

Theo anh Nguyễn Văn Huynh - Phó Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, anh rất ủng hộ chính sách sản xuất và tiêu dùng bền vững, tuy nhiên nguồn nguyên liệu tại tỉnh không đáp ứng nhu cầu của hợp tác xã. Vì vậy, ngoài nỗ lực của hợp tác xã thì rất cần sự trợ lực từ các cơ quan, ban ngành về nguồn vốn, xây dựng vùng trồng nguyên liệu, hỗ trợ máy móc để hợp tác xã sản xuất bền vững.

Theo đồng chí Đào Hoàng Hát - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Sở Công Thương), sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng bắt buộc trong phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế. Đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững của tỉnh. Thời gian qua, từ các nguồn khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, trung tâm đã xây dựng và triển khai nhiều đề án, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở chuyển đổi trang thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến vào sản xuất.

Kết quả trong năm 2023, trung tâm đã thực hiện hoàn thành 9 đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí thực hiện là 6.338,44 triệu đồng, trong đó chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 1 đề án nhóm với số tiền là 1.500 triệu đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp là 2.297,08 triệu đồng và chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 8 đề án với số tiền 1.154,9 triệu đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp 1.386,46 triệu đồng. Qua đó, hỗ trợ 13 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.

Anh Nguyễn Văn Huynh - Phó Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) (bìa trái) giới thiệu các sản phẩm được làm từ mây, tre, nứa… và mô hình sản xuất xanh này sẽ được hợp tác xã duy trì, phát triển trong thời gian tới. Ảnh: HOÀNG LAN

Để tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức lớp tập huấn về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho 60 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; thúc đẩy việc áp dụng sản xuất sạch hơn, khai thác và sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu một cách có hiệu quả, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh phát triển thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm theo hướng bền vững, tăng sức cạnh tranh để nâng tầm thương hiệu, góp phần phát triển nền sản xuất bền vững. Ngoài ra, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cập nhật, bổ sung những ý tưởng, kỹ năng, kiến thức, phương pháp quản lý sản xuất, kinh doanh bền vững, tiết kiệm hiệu quả, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đẩy mạnh việc sử dụng bằng nguồn năng lượng mới có thể tái tạo, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, trung tâm sẽ tranh thủ nguồn từ chương trình khuyến công quốc gia và nguồn khuyến công địa phương, tiếp tục hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng xanh, nhằm từng bước phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững trở thành xu hướng tất yếu tại tỉnh Sóc Trăng.

HOÀNG LAN