Khuyến công Sóc Trăng góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương

HOÀNG LAN 06:20, 26/10/2024

STO - Thời gian qua, nguồn khuyến công của tỉnh Sóc Trăng tập trung hỗ trợ cho các cơ sở, hộ kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, qua đó góp sức không nhỏ trong nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa của Sóc Trăng.

Là một trong những doanh nghiệp chuyên xay xát lúa gạo của tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hứa Ngọc Lợi, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) phấn khởi khi nhận được sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công địa phương để đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất. Theo bà Hồ Thị Thanh Thủy - đại diện công ty, nhận thấy tiềm năng phát triển ngành xay xát, công ty đầu tư phát triển nhà máy mấy chục năm nay. Trước đây chủ yếu xay xát thuê cho người dân nên dây chuyền sản xuất cũng đơn giản, tuy nhiên dần dần về sau, nhu cầu người dân càng khó tính, gạo xay xát không chỉ bóng, đẹp mà còn phải đều màu, hạt gạo phải tương đồng… Do máy móc hiện có của công ty không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hạt gạo dẫn đến giá thành thấp, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. 

Năm 2023, công ty nhận được sự đồng hành, tiếp sức từ Chương trình khuyến công địa phương, nhờ đó có nguồn lực đầu tư 1 máy tách màu gạo, có giá trị 780 triệu đồng, trong đó khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của công ty. Máy có 7 máng, công suất 5 - 7 tấn/giờ, có khả năng nhận dạng và phân loại gạo cực tốt, chính xác từng chi tiết, có thể nhìn thấy và loại bỏ những hạt gạo bị chấm kim, vàng mơ và một số tạp chất khác, để chọn ra những hạt gạo đẹp nhất.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy phấn khởi cho biết:

Từ khi được đầu tư máy tách màu cho đến nay, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm của công ty đã được nâng tầm và giúp công ty đủ lực cạnh tranh với doanh nghiệp cùng ngành. 

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng (Sở Công Thương) kiểm tra hạt gạo sau khi qua sàng lọc của máy tách màu gạo tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hứa Ngọc Lợi, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng (Sở Công Thương) kiểm tra hạt gạo sau khi qua sàng lọc của máy tách màu gạo tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hứa Ngọc Lợi, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Đây là lần thứ 2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yến sào Quốc Tín, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được đầu tư máy móc ứng dụng vào sản xuất yến từ nguồn khuyến công. Bà Lê Bích Tuyền - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yến sào Quốc Tín cho biết, trong những năm gần đây, nghề nuôi yến phát triển rất mạnh tại thị xã Vĩnh Châu và các địa phương lân cận nên nguồn nguyên liệu rất dồi dào. Yến là thực phẩm tự nhiên giàu chất dinh dưỡng và được nhiều người sử dụng. Nhận thấy tiềm năng và giá thành cao của việc sản xuất yến hũ và gần đây công ty nhận được một số đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm như yến sào và yến hũ xuất khẩu. Vì vậy, việc được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Sở Công Thương) hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất yến hũ, tiếp thêm nguồn lực rất lớn để công ty mở rộng quy mô, năng lực sản xuất và nâng cao giá trị cho sản phẩm từ yến. Sau khi được đầu tư các máy hấp tiệt trùng, máy khấy, thiết bị rửa yến… công ty mở rộng thêm nhà xưởng, sản xuất 10.000 hũ yến thành phẩm/tháng, tăng 5.000 hũ yến thành phẩm/tháng so với hiện trạng. Hiện yến hũ của công ty đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe và có mặt tại siêu thị, đang chuẩn bị xuất sang thị trường Trung Quốc. 

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng (Sở Công Thương) kiểm tra máy hấp tiệt trùng được đầu tư tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yến sào Quốc Tín, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng (Sở Công Thương) kiểm tra máy hấp tiệt trùng được đầu tư tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yến sào Quốc Tín, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Trước đây, hộ kinh doanh Toàn Thắng, khóm Vĩnh Thành, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) sản xuất mỗi tháng khoảng 500kg hành phi thành phẩm nhưng chỉ có duy nhất có 1 máy thái lát hành; các công đoạn chế biến còn lại chủ yếu làm bằng phương thức thủ công nên chất lượng sản phẩm chưa cao, năng suất thấp, tốn nhiều thời gian và chi phí nhân công. Với mong muốn tự động hóa các khâu sản xuất, hộ kinh doanh nhận được sự tiếp vốn từ nguồn khuyến công địa phương năm 2024 với số tiền 110 triệu đồng, giúp hộ kinh doanh đủ điều kiện đầu tư mua sắm thêm các máy: phi hành, vắt ly tâm, trộn lồng cầu lục giác, máy lột hành và máy cắt lát hành.

Các máy móc thiết bị được đầu tư mới đều có công suất lớn, vận hành dễ dàng, hiện đại, giúp chất lượng hành phi được cải thiện rõ nét. Đơn cử như máy phi hành vừa có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ tự động thời gian chiên cho mỗi mẻ, lồng chảo lên xuống dễ dàng, khâu vệ sinh máy thuận thiện, vừa tiết kiệm điện và nhân công, đặc biệt thành phẩm hành phi vàng đều, có độ giòn, giữ được mùi thơm đặc trưng hành tím Vĩnh Châu. Nhờ đó chất lượng hành phi nâng lên, bán được giá thành cao hơn, năng suất tăng từ 500kg/tháng lên 700kg/tháng, vừa giúp hộ kinh doanh tăng thêm thu nhập vừa góp phần tiêu thụ hành cho nông dân cũng như nâng giá trị cho hành tím Vĩnh Châu.

Ông Võ Thanh Ước - Chủ hộ kinh doanh Toàn Thắng

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại huyện Mỹ Tú và các huyện lân cận, bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, ấp Tam Sóc D2, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã biến trái mận mỡ (mận trắng) có giá trị thấp (đầu ra bấp bênh, khó bảo quản…) thành mứt mận và ô mai mận với hạn sử dụng 1 năm để bán cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ khi được nguồn hỗ trợ, năng lực sản xuất của hộ kinh doanh mứt mận Ngọc Hạnh đạt công suất 200kg mứt mận, mứt ô mai mận thành phẩm/tháng, tăng 50kg so với hiện trạng.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh vui mừng cho biết:

Nhờ đầu tư máy hàn miệng túi liên tục, với 4 chức năng: đóng gói, hút chân không, in date và thổi khí, giúp bảo quản sản phẩm được lâu hơn… kéo theo đó chất lượng các loại mứt được cải thiện. Hiện sản phẩm mứt mận, ô mai mận đều đạt chuẩn OCOP 3 sao, được tiêu thụ trong tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Đồng Nai… với mức giá 65.000 đồng/hộp 250 gram. Tôi mong muốn trong thời gian tới, khuyến công tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ để cơ sở tiến tới tự động hóa trong các khâu sản xuất.

Hộ kinh doanh Toàn Thắng (bên phải), khóm Vĩnh Thành, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) phấn khởi khi được nguồn khuyến công hỗ trợ máy móc tiên tiến vào sản xuất hành phi. Ảnh: HOÀNG LAN
Hộ kinh doanh Toàn Thắng (bên phải), khóm Vĩnh Thành, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) phấn khởi khi được nguồn khuyến công hỗ trợ máy móc tiên tiến vào sản xuất hành phi. Ảnh: HOÀNG LAN

Đây là 4 trong rất nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh triển khai trong những năm qua. Theo đánh giá từ các đối tượng thụ hưởng, các đề án đã phát huy hiệu quả rất tốt, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cải thiện sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Để tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả các đề án khuyến công trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Chung Chí Trường cho biết, trung tâm sẽ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung ưu tiên cho các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm OCOP, tiềm năng OCOP… Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm chủ lực, đặc trưng, đặc sản thông qua việc hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

HOÀNG LAN