Quan tâm bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN luôn được các cấp, các ngành, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng và doanh nghiệp thứ cấp trong KCN từng bước quan tâm, chú trọng và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Để thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thành lập Phòng Quản lý Quy hoạch Xây dựng và Môi trường, bố trí chuyên viên thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp lãnh đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường trong các KCN theo quy định của pháp luật. Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường đối với KCN với các sở, ngành, địa phương.
Các doanh nghiệp đầu tư vào KCN quan tâm, chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ảnh: QUANG BÌNH |
Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh, KCN An Nghiệp có diện tích 243ha, tỷ lệ lấp đầy là 97% so với diện tích đất quy hoạch cho thuê. KCN đã được Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng gồm hệ thống giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh... Các loại hình ngành nghề sản xuất, kinh doanh trong KCN chủ yếu là chế biến thực phẩm, đồ uống (thủy sản, nông sản, bia, bánh kẹo...); ngành may mặc (áo quần, giày thể thao, túi xách); sản xuất bao bì; sản xuất vật liệu xây dựng (gạch tuynel, gạch không nung, cống bêtông); phối trộn phân bón; sản xuất dược phẩm... Đến nay KCN có 44 doanh nghiệp với 52 dự án đang triển khai xây dựng và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường trước khi triển khai xây dựng theo quy định. Nước thải được đấu nối vào hệ thống thu gom chung của KCN xử lý.
Về công trình xử lý chất thải của KCN thì với tính chất ngành nghề đã thu hút đầu tư vào KCN An Nghiệp, chất thải phát sinh chính là nước thải công nghiệp (không có nước thải chứa thành phần nguy hại). Hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN An Nghiệp do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ môi trường An Nghiệp quản lý vận hành, với quy mô công suất thiết kế 20.000m3/ngày đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện hệ thống đang hoạt động 2 module công suất là 10.000m3/ngày. Chất lượng nước thải sau xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải đạt Quy chuẩn 40:2011/BTNMT, cột A với Kq=0,9, Kf=0,9, trước khi thải ra kênh Thẻ 25, hệ thống được lắp đặt trạm quan trắc tự động, liên tục với 6 thông số cơ bản (lưu lượng, pH, TSS, COD, nhiệt độ, Amoni) và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Công ty An Nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng xong thêm module 3 công suất 5.000m3/ngày, đưa vào sử dụng trong quý III/2024, nâng công suất xử lý lên 15.000m3/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đối với chất thải rắn, trong KCN không có trạm tập kết, trung chuyển chất thải rắn, các doanh nghiệp thu gom, phân loại và hợp đồng trực tiếp với các đơn vị có chức năng để tái sử dụng, tái chế và xử lý theo quy định. Tổng khối lượng chất thải rắn thông thường phát sinh năm 2023 khoảng 51.933 tấn/năm. Chất thải nguy hại có phát sinh nhưng thành phần và khối lượng rất ít. Về khí thải, trong KCN chưa có trường hợp xả thải khí thải với lưu lượng lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động và liên tục theo quy định.
Về công tác bảo vệ môi trường KCN Trần Đề thì hiện KCN Trần Đề do Công ty Cổ phần Bê tông Hà Thành làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN (được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư tại Quyết định số 828/QĐ-TTg, ngày 12/6/2020). KCN Trần Đề có diện tích 160ha và đang được triển khai thi công, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hiện nay đạt trên 80% khối lượng. Riêng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 4.500m3/ngày đã được thi công hoàn chỉnh. Hiện chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Dự kiến trong năm 2024 có thể thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư tại KCN.
Ngoài ra, trong 2 năm 2022 - 2023, Ban Quản lý các KCN đã chủ trì và phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra 53 lượt doanh nghiệp nhằm đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất. Qua đó, có 3 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 710,2 triệu đồng.
Những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh, nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương phối hợp thực hiện nên công tác bảo vệ môi trường của các KCN cơ bản đảm bảo. Đặc biệt 2 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải với quy mô công suất, công nghệ đáp ứng xử lý nước thải phát sinh đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Các doanh nghiệp đầu tư vào KCN quan tâm, chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung tăng cường phối hợp quản lý nhà nước về môi trường trong các KCN. Ảnh: QUANG BÌNH |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, công tác quản lý môi trường đối với các KCN trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, như: nhân lực làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường của ban quản lý chỉ có 1 chuyên viên do biên chế ít. Việc bố trí nhân sự làm công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong KCN còn rất hạn chế, chỉ bố trí kiêm nhiệm hoặc bố trí cán bộ không đúng chuyên môn về bảo vệ môi trường do pháp luật không quy định bắt buộc. Bên cạnh đó, công tác phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong KCN chưa thường xuyên. Khối lượng chất thải rắn công nghiệp của các doanh nghiệp KCN ngày càng tăng, nhất là chất thải rắn công nghiệp thông thường không thể tái sử dụng, tái chế, kể cả bùn thải của nhà máy xử lý nước thải tập trung (được xác định không chứa thành phần nguy hại) nhưng đến nay trong tỉnh vẫn chưa có đơn vị có chức năng xử lý, các doanh nghiệp phải thuê đơn vị ở ngoài tỉnh để xử lý, làm tăng chi phí.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường đối với các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ tập trung tăng cường phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương theo quy chế phối hợp quản lý nhà nước về môi trường trong các KCN nhằm kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Thường xuyên phối hợp tổ chức phổ biến, nâng cao hiểu biết về các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng, các doanh nghiệp thứ cấp. Đề xuất, tham mưu UBND tỉnh thu hút, kêu gọi đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN xử lý chất thải, giảm chi phí. Đồng thời đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải của các KCN của tỉnh trong thời gian tới.
PHƯƠNG ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin