Mặt trận Tổ quốc phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội

05:41, 07/08/2024

STO - Giai đoạn 2019 - 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan triển khai nhiều chương trình giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Song song đó, thường xuyên đổi mới hoạt động sát với tình hình thực tế tại địa phương.

Theo đồng chí Từ Tố Quyên - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, với chức năng, nhiệm vụ được giao, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì tổ chức 712 cuộc giám sát (cấp tỉnh 29 cuộc, cấp huyện 120 cuộc, cấp xã 563 cuộc); tham gia cùng các ngành có liên quan tổ chức 830 cuộc giám sát liên quan đến lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính sách, pháp luật, xây dựng nông thôn mới, bảo hiểm y tế, an sinh xã hội. Đồng thời, chủ trì tổ chức 279 đợt góp ý, phản biện các dự thảo văn bản (cấp tỉnh 18 cuộc, cấp huyện 43 cuộc, cấp xã 218 cuộc). Để thực hiện hiệu quả công tác này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Nâng cao toàn diện về chất lượng hoạt động của mặt trận, khắc phục tình trạng hình thức, hành chính hóa, xa dân.

 Tham gia cùng đoàn giám sát của HĐND tỉnh Sóc Trăng giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Ảnh: SONG LÊ

Trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định không chỉ phân tích phản bác, chỉ ra những hạn chế của các chủ trương, chính sách, các vấn đề xã hội mà còn là sự thể hiện đồng thuận xã hội, sự khuyến khích, cổ vũ của xã hội đối với những chủ trương, chính sách đúng đắn. Theo đó, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến việc triển khai các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (Sóc Trăng); Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi; Dự án Cảng Trần Đề; Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây; Dự án Khai thác khoáng sản phục vụ dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và các công trình trọng điểm của tỉnh.

Hằng năm, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội; phối hợp với chính quyền ưu tiên lựa chọn những chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp đến người dân, những vấn đề bức xúc trong nhân dân để tổ chức giám sát, phản biện xã hội. Cụ thể như Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Phú (Sóc Trăng), trong 5 năm qua đã thực hiện 13 cuộc giám sát về xây dựng nông thôn mới; bảo hiểm y tế; an sinh xã hội; công tác giảm nghèo bền vững; tình hình thực hiện tạm giữ, tạm giam; việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng chủ trì tổ chức đợt góp ý dự thảo luật. Ảnh: SONG LÊ

“Giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, qua đó thể hiện tốt hơn chức năng đại diện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thay đổi thường xuyên nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội” - đồng chí Dương Thanh Toàn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Phú chia sẻ.

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng cũng phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải cơ sở. Trong nhiệm kỳ, ban thanh tra nhân dân tham gia giám sát 1.221 vụ việc; ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát 628 công trình; tổ hòa giải ở cơ sở tiếp nhận 14.292 vụ, hòa giải thành 12.182 vụ, đạt tỷ lệ 85,38%. Qua đó, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Điển hình như Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã thực hiện tốt việc thu thập ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân về các dự án đầu tư; tổ chức giám sát quá trình thực hiện đầu tư các dự án trên địa bàn.

Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) thực hiện tốt công tác giám sát các công trình được thực hiện trên địa bàn xã. Ảnh: SONG LÊ

Đồng chí Kim Thị Chanh Đa - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mỹ Thuận, Trưởng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng cho biết, năm 2023 đã tiến hành giám sát 2 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1km, tổng kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng; năm 2024 giám sát đầu tư cộng đồng 3 công trình cầu. Tại công trình, các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thường xuyên giám sát tình hình thi công cũng như chất lượng các loại vật tư, vật liệu xây dựng. Đồng chí Chanh Đa chia sẻ: “Các thành viên của Ban Giám sát yêu cầu nhà thầu thi công cung cấp thông tin về hồ sơ thiết kế, chủng loại vật liệu, mốc tiến độ thực hiện để kiểm tra, so sánh, đối chiếu với thực tế thi công tại hiện trường. Qua giám sát, chúng tôi thấy công trình lộ 3m nhưng ở một số đoạn đơn vị thi công chỉ làm 2,8m, Ban Giám sát đã kiến nghị lãnh đạo địa phương làm việc với nhà thầu làm đúng quy định”.

Thông qua giám sát, phản biện xã hội, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã có tác động tích cực đến việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Từ đó, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thi hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

 SONG LÊ