Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới

04:56, 23/08/2023

STO - Qua 5 năm (2018 - 2023) thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội được nâng lên; công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới được quan tâm đáng kể.

Tại Sóc Trăng, công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 được tuyên truyền sâu rộng từ các cấp ủy, chính quyền, đến đoàn thể, đoàn viên, hội viên và quần chúng. Qua đó, kết quả thực hiện công tác phụ nữ có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng chí Nguyễn Thị Huệ Chi - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: “Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW đến các ban cán sự đảng, đảng đoàn, sở, ngành, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc. Đồng thời, Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung tuyên truyền, quán triệt rộng rãi những nội dung quan trọng của chỉ thị đến cán bộ mặt trận, đoàn thể các cấp và đoàn viên, hội viên, nhân dân; chọn những việc cụ thể để tổ chức thực hiện trong hệ thống của từng tổ chức, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị”.

Sóc Trăng luôn quan tâm công tác quy hoạch, đề bạt cán bộ nữ. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21, phụ nữ tham gia đóng góp ngày càng nhiều trên các lĩnh vực: kinh kế, chính trị, văn hóa - xã hội, y tế, an ninh - quốc phòng. Cán bộ nữ được quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức hội LHPN các cấp được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm nòng cốt trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ; thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Việc thực hiện luật pháp, chính sách, đề án về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện; chính sách phát huy vai trò của phụ nữ trong khoa học công nghệ, trong phát triển kinh tế ngày càng được tăng cường. Các cấp hội đã tổ chức nhiều diễn đàn, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; phòng, chống ma túy, mại dâm; kỹ năng phòng, chống các loại tội phạm; phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình, tín dụng đen, vệ sinh môi trường, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội... Qua đó, đã thành lập hàng trăm câu lạc bộ, tổ, nhóm về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em. Gần đây nhất, thông qua Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong năm 2023, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ ra mắt 110 tổ truyền thông cộng đồng thuộc 42 cơ sở hội ở 9 huyện, thị xã thực hiện dự án. Đây là lực lượng truyền thông làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền tại các địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, thông qua chương trình tín dụng tiết kiệm, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo do Tỉnh hội quản lý đã hỗ trợ số tiền trên 32 tỷ đồng cho hội viên, phụ nữ. Bằng các hình thức, các cấp hội phụ nữ giúp chị em có nguồn vốn mua bán nhỏ, chăn nuôi, trồng trọt, các kiến thức phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tình trạng vay nóng, tín dụng đen.

Các cấp hội còn tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” và “Xây dựng người Phụ nữ Sóc Trăng tình nghĩa, tự tin, sáng tạo” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Qua tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, hằng năm đã có hàng ngàn lượt cán bộ nữ đăng ký thực hiện “làm theo” Bác bằng những việc làm cụ thể phù hợp với vị trí, vai trò và điều kiện công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh của từng tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Hiệu quả từ các mô hình “làm theo” đã tiết kiệm gần 2,6 tỷ đồng, trên 38 tấn gạo, giúp trên 1.600 hội viên, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tiết kiệm 36.502KW điện, 24.803m3 nước trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh...

Các cấp hội tích cực, chủ động phát hiện, giới thiệu phụ nữ ưu tú cho Đảng bồi dưỡng kết nạp, tạo nguồn phát triển cán bộ nữ, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý… Đồng thời đề xuất, tham mưu cho cấp ủy quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và xây dựng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Trong 5 năm, đã giới thiệu 3.074 chị cho Đảng xem xét kết nạp và kết nạp được 2.511 chị. Hiện có 509/775 chị chi hội trưởng là đảng viên, chiếm 65,6%.

Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực cho cán bộ hội phụ nữ các cấp.

Đặc biệt, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Hội LHPN luôn quan tâm vận động, giới thiệu cán bộ nữ tham gia ứng cử vào cấp ủy đảng, đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cũng như tổ chức tuyên truyền, vận động bầu cử cho nữ giới. Hàng năm, trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; quan tâm quy hoạch, đề bạt cán bộ nữ có triển vọng phát triển. Các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ cán bộ dân cử, nữ cán bộ nữ quản lý các cấp trong diện quy hoạch hàng năm. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đều tăng. Bình quân tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy chiếm 22,51% (tăng 4,2% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND các cấp chiếm 24,91 (tăng 4% so với nhiệm kỳ trước); có 3 nữ/7 đại biểu Quốc hội, (tăng 9,53% so nhiệm kỳ trước).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phụ nữ vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên chưa quan tâm đúng mức công tác phụ nữ; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp ở một số địa phương tuy có tăng nhưng vẫn còn thấp, chưa đạt theo quy định; các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ từng lúc chưa thực hiện đồng bộ; giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến phụ nữ chưa kịp thời. Bên cạnh đó vẫn còn một số chị em phụ nữ, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế về trình độ, nhận thức, còn mặc cảm, tự ti, chưa chủ động vượt khó vươn lên. Các chế độ chính sách dành cho cán bộ nữ và chế độ hỗ trợ đối với chi hội trưởng phụ nữ ở cơ sở còn hạn chế. Tỷ lệ thu hút hội viên ở một số địa phương còn rất thấp...

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác phụ nữ trong tình hình mới, Hội LHPN tỉnh xác định, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị đối với Chỉ thị số 21. Trong đó, hội LHPN các cấp tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tham mưu cấp ủy đảng về công tác phụ nữ, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Các đơn vị, địa phương tham mưu, đề xuất các cấp ủy làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo môi trường cho phụ nữ phát triển, đóng góp, cống hiến trên tất cả các lĩnh vực.

XUÂN HƯƠNG