Xây dựng Đoàn vững mạnh trong tình hình mới

05:47, 15/08/2024

STO - Công tác xây dựng Đoàn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng bởi đây là tiền đề tạo nên đội dự bị tin cậy của Đảng. Những năm qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp trên các mặt công tác, tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng Đoàn, để tổ chức đoàn từ tỉnh đến cơ sở thực sự vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và hành động.

Kỳ 2: Tập trung tháo gỡ nút thắt, nhân lên điểm sáng trong xây dựng Đoàn vững mạnh

Xây dựng Đoàn vững mạnh đã tạo điều kiện để các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên đóng góp công sức xây dựng và phát triển địa phương. Cùng với các kết quả đạt được, công tác xây dựng Đoàn trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, thử thách, đòi hỏi Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cần có những giải pháp tháo gỡ, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn, qua đó xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Theo đồng chí Triệu Thị Ngọc Diễm - Bí thư Tỉnh đoàn, bằng việc xây dựng Đoàn vững mạnh, đoàn viên, thanh niên đã được tạo môi trường rèn luyện, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác xây dựng Đoàn trong giai đoạn hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, thu hút đoàn viên ở lại địa phương, hạn chế tình trạng thiếu vắng đoàn viên ở cơ sở. Ảnh: TẤN PHÁT

Cụ thể, công tác giáo dục của Ðoàn tuy rộng nhưng chưa sâu, một số hoạt động còn dàn trải, hình thức, một số phong trào mới chỉ thu hút đoàn viên tích cực, thanh niên tiên tiến tham gia nên chưa huy động hết nguồn lực của các tầng lớp thanh niên. Đặc biệt, một số thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, “phản ứng” của các cấp bộ đoàn trong việc khắc phục, giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi còn chậm, lúng túng. Ngoài ra, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được kết quả rõ nét, chưa có nhiều giải pháp hiệu quả trong việc tiếp cận thanh niên công nhân. Từ đó dẫn đến công tác quản lý đoàn viên, tổ chức các hoạt động để thu hút, tập hợp thanh niên trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt tập thể, hoạt động tình nguyện gặp nhiều khó khăn, các hoạt động của đoàn thanh niên phần nào bị hạn chế. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở thuộc khối doanh nghiệp là 11 đơn vị, với số lượng đoàn viên là 366 đoàn viên. Trong đó, chỉ có 3 chi đoàn cơ sở thuộc khối doanh nghiệp ngoài nhà nước với 34 đoàn viên, chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số đoàn viên toàn tỉnh.

Đồng chí Lê Thị Việt Trinh - Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Đoàn Khối hiện có 10 đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó có 2 tổ chức đoàn thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước. Thời gian qua, công tác phát triển tổ chức đoàn, hoạt động đoàn trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp nhiều hạn chế, khó khăn do các doanh nghiệp ưu tiên cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; một số doanh nghiệp bố trí thời gian lao động theo ca, cường độ lao động có thời điểm tăng cao không có thời gian cho nhân viên, công nhân tham gia hoạt động đoàn. Đồng thời, công nhân lao động ở một số đơn vị chủ yếu theo thời vụ nên số lượng không ổn định, công nhân sau giờ làm hầu hết đều muốn được nghỉ ngơi, e ngại tham gia hoạt động đoàn”.

 Các cấp bộ đoàn cần phải tạo được môi trường để cán bộ, đoàn viên, thanh niên phát huy hơn nữa tinh thần xung kích, tình nguyện, qua đó góp phần xây dựng Đoàn vững mạnh. Ảnh: TẤN PHÁT 

Bên cạnh đó, những khó khăn về cơ chế, chính sách, quy định về độ tuổi, trình độ chính trị đối với cán bộ đoàn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động, phong trào đoàn ở cơ sở. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương trong tỉnh còn gặp khó khăn trong công tác cán bộ đoàn như việc luân chuyển cán bộ đoàn quá tuổi theo quy chế cán bộ đoàn, việc tuyển dụng cán bộ đoàn gặp nhiều khó khăn, chưa được kịp thời do thực hiện các quy định về tinh giản biên chế; chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ đoàn chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ của cơ quan chuyên trách đoàn các cấp thường xuyên thiếu hụt và biến động, dẫn đến việc không kịp thời trong đào tạo, bồi dưỡng; thiếu nguồn cán bộ trẻ có chất lượng cho quy hoạch các chức danh chủ chốt của Đoàn…

Theo đồng chí Trần Thị Kim Lê - Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn, biên chế hiện có tại cơ quan Tỉnh đoàn, đoàn cấp huyện chưa đảm bảo do hằng năm đều có cán bộ, công chức hết tuổi công tác đoàn chuyển đi nhưng nguồn nhân sự bổ sung cho công tác đoàn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do chưa tổ chức thi tuyển công chức đối với các vị trí công tác tại cơ quan đoàn cấp tỉnh, vướng độ tuổi sát hạch. Đồng thời việc tuyển dụng cán bộ đoàn hiện nay chưa có chính sách đặc thù và chưa có sự liên thông giữa các cấp, liên thông giữa cán bộ, công chức, viên chức với nhau. Công tác luân chuyển, điều động đối với cán bộ đoàn lớn tuổi còn gặp nhiều khó khăn, một số đồng chí vẫn chưa được bố trí công tác phù hợp khi quá tuổi làm cán bộ đoàn do các quy định riêng về công tác biên chế chung hiện nay.

Ngoài ra, chế độ chính sách cho cán bộ đoàn cấp cơ sở còn thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và sự chuyên tâm cho công tác đoàn. Điển hình như phó bí thư đoàn cấp xã theo quy định hiện nay là chức danh người hoạt động không chuyên trách, hưởng chế độ phụ cấp rất thấp nên không thu hút được lực lượng có trình độ chuyên môn theo quy định, chủ yếu là vận động, thu nhận những người có trình độ trung học phổ thông vào làm phó bí thư đoàn, sau đó tham gia đào tạo chuyên môn theo hình thức vừa học, vừa làm.

Đồng chí Triệu Thị Ngọc Diễm cho biết thêm, trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tập trung nghiên cứu, tìm những hướng đi mới để thu hút, tập hợp thanh niên nhằm góp phần củng cố, xây dựng Đoàn vững mạnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng công tác cho cán bộ đoàn các cấp; đổi mới nội dung hoạt động của đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh thiếu nhi và phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đặc biệt là thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ, tổ hợp tác nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đa dạng hóa hình thức tập hợp, đoàn kết thanh niên khu vực dân cư và thanh niên làm việc trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của các cấp bộ đoàn trong thực hiện công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, tham mưu cho đoàn cấp trên thường xuyên làm việc với cấp ủy cùng cấp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Trong những năm qua, đoàn viên, thanh niên tỉnh Sóc Trăng luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, để tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh và các phong trào thanh niên mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp bộ đoàn cần quyết tâm đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức hoạt động, hình thức sinh hoạt. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh cần phải tạo được môi trường để cán bộ, đoàn viên, thanh niên rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

TẤN PHÁT