Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên

TẤN PHÁT 04:31, 05/12/2024

STO - Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, các cấp bộ đoàn trong tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai thực hiện tốt 3 chương trình đồng hành với thanh niên. Việc triển khai các chương trình đồng hành đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, khẳng định vai trò của tổ chức đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, thanh niên.

Kỳ 2: Nghĩ mới, làm mới, vững bước đồng hành với thanh niên

Hiệu quả từ 3 chương trình đồng hành với thanh niên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình, các cấp bộ đoàn trong tỉnh Sóc Trăng còn gặp một số khó khăn nhất định. Thực trạng trên đòi hỏi các cấp bộ đoàn cần tập trung hơn nữa trong việc đổi mới nội dung, phương thức triển khai các chương trình nhằm nắm bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại mới.

Chia sẻ về những khó khăn, hạn chế trong việc triển khai thực hiện 3 chương trình đồng hành với thanh niên, đồng chí Hoàng Thị Ngọc Anh - Bí thư Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh cho biết:

Đối với đoàn viên, thanh niên là học sinh tại các trường trong Khối, việc triển khai các câu lạc bộ học thuật, nghiên cứu khoa học, hoạt động kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên chưa được đồng bộ, việc tổ chức các lớp dạy tiếng Anh cho học sinh người dân tộc thiểu số chưa được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, các sân chơi khuyến khích thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp chưa được tổ chức thường xuyên, các mô hình khởi nghiệp cho thanh niên chưa mang lại hiệu quả cao nên phát huy chưa được chiều sâu.

Các cấp bộ đoàn cần tích cực tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên đề xuất các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất. Ảnh: TẤN PHÁT

Còn tại huyện Mỹ Tú, việc triển khai thực hiện 3 chương trình đồng hành với thanh niên được Ban Thường vụ Huyện đoàn quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, các cấp bộ đoàn trong huyện cũng còn gặp khó khăn, hạn chế. Cụ thể như việc triển khai chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập chủ yếu là từ các nguồn vận động xã hội hóa, chưa có nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên có nhu cầu học tập; việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả để nhân rộng. Đồng thời, việc nâng cao thể chất, đời sống văn hóa cho thanh niên vẫn gặp khó khăn, nhất là trong việc duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ trong thanh niên, công tác tập hợp thanh niên vì số lượng thanh niên trong huyện đi làm ăn xa khá đông (trên 50%).

Phường 5 (thành phố Sóc Trăng) là địa bàn có đông đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số. Theo đồng chí Bùi Hải Vân - Bí thư Đoàn Phường 5, Đoàn phường gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện 3 chương trình đồng hành với thanh niên. Theo đó, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn phường do thiếu kinh nghiệm, khó tiếp cận các nguồn vốn bởi các mô hình kinh tế không đủ điều kiện nên đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thường đi làm việc tại các công ty, xí nghiệp và đi làm ăn xa. Từ đó dẫn đến việc tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia các phong trào, hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ còn khó khăn. Bên cạnh đó, chưa có nhiều các hoạt động rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần dành riêng cho đối tượng thanh niên dân tộc thiểu số, nguồn lực vận động xã hội hóa tổ chức các hoạt động và phong trào đoàn còn hạn chế.

Quan tâm đa dạng hóa các hoạt động trong rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên. Ảnh: TẤN PHÁT

Theo đồng chí Đoàn Chí Hải - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên, các cấp bộ đoàn trong tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong nghiên cứu, ứng dụng thành quả, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên đề xuất các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo trong học tập, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kinh tế số vào lao động, sản xuất. Đồng thời quan tâm tổ chức các hoạt động tạo môi trường cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và thường xuyên tổ chức tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho các đối tượng thanh niên nông thôn, yếu thế, dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo.

Ngoài ra, trước sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với các hoạt động văn hóa trực tiếp, các cấp bộ đoàn trong tỉnh sẽ quan tâm nắm bắt các hoạt động của đoàn viên, thanh niên trên không gian mạng, từ đó có thêm tư liệu, thông tin để sáng tạo các hoạt động văn hóa tinh thần trên không gian mạng; chuẩn hóa kỹ năng sử dụng mạng xã hội của đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, có những định hướng tiếp cận những người có tầm ảnh hưởng (KOL) để phối hợp tuyên truyền về các hoạt động của đoàn với tiêu chuẩn nội dung các sản phẩm số phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi.

Triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã góp phần xây dựng thế hệ thanh niên phát triển toàn diện. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, các cấp bộ đoàn trong tỉnh sẽ nỗ lực khắc phục những khó khăn, tiếp tục nghĩ mới, làm mới trong thiết kế, tổ chức các chương trình đồng hành thông qua việc lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, giải pháp phù hợp với tình hình thanh niên ở cơ sở. Từ đó góp phần thực hiện được và đạt các mục tiêu đã đề ra và để tổ chức đoàn sẽ thật sự đồng hành với thanh niên như những người bạn, có sự hỗ trợ, dẫn dắt cùng phát triển.

TẤN PHÁT