“Mát lòng” mùa hạn, mặn

04:23, 25/04/2024

STO - Nhiều ngày nay, không ít hộ dân sinh sống tại một số địa phương ở tỉnh Sóc Trăng lao đao vì không có nước sinh hoạt sử dụng. Hộ dân phải tiết kiệm nước tối đa, tái sử dụng nước qua nhiều lần để cầm cự trong mùa nắng hạn. Và không biết đến khi nào mới qua được khó khăn này. Đồng cảm và sẻ chia, có những cá nhân có nguồn nước nhưng không kinh doanh, tư lợi mà cho miễn phí để giảm "khát" nước ngọt của hộ dân. Những nghĩa cử đó làm mát lòng người giữa mùa hạn, mặn.

Mười mấy ngày nay, tại Doanh nghiệp tư nhân Hòa Hiệp, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có nhiều xe ra vào chở nước uống, nước sinh hoạt cho người dân chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Do kinh doanh, sản xuất nước đá nên doanh nghiệp này có 1 hồ chứa nước lọc (nước uống) với dung tích 100m3, 1 hồ chứa nước sinh hoạt dung tích 70 - 80m3. Nhiều đơn vị, cá nhân tổ chức hoạt động hỗ trợ nước uống, nước sinh hoạt cho người dân thiếu nước sử dụng liên hệ là ông Tô Thanh Tú (chủ doanh nghiệp) “ok cái rụp” để xe đến chở nước “không giới hạn”.

“Thấy nhiều hộ không có nước, ai đến xin là tôi cho ngay. Xe nào chở được bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Tôi cũng không có tính mấy nay cho bao nhiêu mét khối, hồ chứa cạn thì mình bơm cho đầy. Công an ở huyện, ở xã, rồi đồn biên phòng, UBND xã liên hệ đến chở nước, tôi hỗ trợ hết mình. Lúc này nắng nóng mà không có nước xài thì khổ đến mức nào. Nhịn cơm 1 ngày còn cầm cự được chứ nhịn nước 1 ngày mấy ai chịu được”, anh Tú cho hay.

Ông Triệu Văn Út ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) bơm nước đầy bồn chứa để người dân cần đến lấy. Ảnh: NGỌC HẢI

Cũng hơn 10 ngày nay 2 bồn chứa nước với dung tích 3m3 của hộ ông Triệu Văn Út ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề vơi, đầy liên tục. Cả nhà ông thay phiên nhau túc trực bơm nước để cho ai cần đến chở miễn phí về xài.  Sự tốt bụng này được ông cho rằng, đó là sự may mắn khi mình khoan được mạch nước ngọt mới có cơ hội giúp người dân ở đây.

Năm trước (năm 2023), nhà ông khoan giếng hết 27 triệu đồng để lấy nước ngọt tưới cho 5 công dưa hấu. Ban đầu ông không có đầu tư thùng chứa lớn như bây giờ. Đầu tháng 4/2024, khoảng 500 hộ dân sống ở ấp Mỏ Ó rơi vào tình trạng thiếu nước, những hộ ở cách trạm cấp nước dù có mở van nước hết mức cũng không có giọt nước nào chảy ra. Nhiều hộ dân chỉ biết kêu trời vì "khát nước".

Thấy vậy, ông bơm nước cho người dân đến chở về dùng miễn phí. Ông Út chia sẻ: “Hơn 10 ngày nay, tôi không dám đi đâu xa hay đi chơi bỏ bê việc bơm nước. 2 cái bồn chứa này vơi là tôi bơm lên cho đầy để ai cần đến lấy. Chiều tối tôi bơm lần nữa, rồi mở đèn thắp sáng suốt đêm để phục vụ mọi người đến lấy nước”.

Anh Nguyễn Hồng Nhân cho hay: "Anh Út tốt bụng lắm, ai muốn lấy bao nhiêu anh cũng bơm đầy can cho người ta chở về. Tôi thì lấy tới 30 can (loại can 30 lít) để đổ vô bồn chứa ở nhà xài dần. Nếu không có điểm cấp nước chỗ anh Út, người dân trong ấp này còn khổ hơn nữa vì thiếu nước".

Theo anh Tăng Khum - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Bình, ấp Mỏ Ó có trên 700 hộ sinh sống, có đến 67% hộ dân thiếu nước. Nhờ có nhiều đơn vị, rồi chỗ anh Út cung cấp nước miễn phí mà giảm bớt phần nào nỗi lo về nước sinh hoạt của hộ dân nơi đây. UBND xã, Công an xã khi tổ chức hỗ trợ nước sinh hoạt cho những điểm thiếu nước cũng đã đến chỗ anh Út để lấy nước.

Tinh thần “tương thân tương ái” còn lan tỏa rộng rãi ngay cả những hộ dân sinh sống ở khu vực thiếu nước trầm trọng. Bà Lâm Thị Hoa, ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình từ chối nhận phần nước khi có chuyến xe đến cấp nước với lý do: “Nhà tôi không quá túng, còn cầm cự được. Mấy chú đến hộ ở phía cuối đường này cho nè, đang thiếu nước lắm đó”. Hay một số hộ nhà có thùng chứa lớn nhưng không xin nhiều vì họ biết xe nước chỉ chở được 8m3, còn hàng trăm hộ phía sau đang chờ nước.

“Thương người như thể thương thân” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được duy trì, tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Khi thấy nhiều hộ dân gặp khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân bằng nhiều hành động khác nhau cùng chung tay san sẻ. Và trong đợt hạn, mặn năm nay, người dân ở các vùng nông thôn đang “khát” nước lại thấy “mát lòng” hơn bởi những tấm lòng chia sẻ những giọt nước mát khi nắng nóng liên tục, kéo dài.

NGỌC HẢI