Về thăm Ko Kô

04:18, 06/04/2024

STO - Vùng đất Ko Kô, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) có nhiều câu chuyện, những giai thoại truyền lại bao đời nay hấp dẫn người nghe qua. Đến bây giờ, không ai biết mức độ tin cậy của các câu chuyện ra sao? Duy chỉ có một điều luôn tồn tại, đó chính là tinh thần phấn đấu vươn lên của người dân trong lao động sản xuất, đến bây giờ cư dân nơi đây đã bắt đầu có được cuộc sống sung túc.

Diện mạo nông thôn ấp Ko Kô, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) ngày thêm khởi sắc. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Tôi đến Ko Kô vào một chiều muộn hạ tuần tháng 3, khi cư dân địa phương trở về nhà sau một ngày lao động vất vả nơi đồng áng. Tính luôn lần này tôi đã có không dưới 5 lần đến thăm nơi đây. Mỗi lần đến lại thấy bất ngờ với nhiều nét mới. Lần này cũng vậy, tôi nhìn thấy trên gương mặt của từng người hiện diện một niềm vui, niềm hân hoan với cuộc sống hiện tại. Bà Hai Lan, ấp Ko Kô phấn khởi: “Bây giờ đi từ đầu xóm đến cuối xóm đâu đâu cũng nhà tường, nhà tol, xe chạy qua lại liên tục trên đường lộ, xe bốn bánh cũng vô được tới trong này”.

Điểm dừng chân tiếp theo của tôi là nhà ông Lý Cô - một người cố cựu của Ko Kô. Tiếp tôi trong căn nhà bề thế, ông Lý Cô nhớ lại: “Ở đây hồi trước tên là Hoa Đen. Những người lớn tuổi lúc trước hay kể, ở đây ngày xưa là vùng đất lung bàu, còn hoang hóa và không ai vào khai phá, nhiều đàn trâu rừng vẫn hay đi về và tạo thành các con rạch, đường mòn; tôm, cá dưới sông, rạch thì nhiều không kể xiết. Sau đó, xứ Hoa Đen đổi thành ấp Ko Kô, cuộc sống cũng vất vả lắm chứ đâu được như bây giờ”.

Đưa mắt nhìn về phía con đường nhựa trước nhà, ông Lý Cô cho hay: “Tôi năm nay đã 93 tuổi, cả đời tôi sống trên mảnh đất này, chứng kiến biết bao thay đổi, phải nói rằng đến thời điểm hiện nay, bà con ở Ko Kô có cuộc sống đủ đầy hơn lúc trước nhiều. Bây giờ, nhà ai cũng có điện, có nước sạch xài, đường sá thì có đường nhựa, đường đal, tới vụ mùa thì thương lái chạy xe tải vô tận xóm để thu mua. Tôi và bà con thấy vô cùng phấn khởi. Được như ngày hôm nay cũng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con ai cũng siêng năng làm lụng”.

Hiện tại, ấp Ko Kô có diện tích tự nhiên hơn 485ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm phần lớn với 397ha; dân số 549 hộ, trong đó, hơn 90% là đồng bào Khmer, hộ nghèo còn 21 hộ. Người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, một số ít buôn bán nhỏ. Trong những năm qua, xã Tân Hưng đã thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ cho người dân, trong đó có người dân ấp Ko Kô. Địa phương thực hiện các tiêu chí về xây dựng ấp văn hóa và nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, ấp còn xây dựng tốt các thiết chế văn hóa, chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân với những hoạt động thiết thực. Ko Kô được công nhận là ấp văn hóa và ấp văn hóa nông thôn mới. 

Hoạt động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được thực hiện hiệu quả. Lưới điện phủ kín địa bàn; mạng lưới giao thông nông thôn được kiện toàn với các tuyến lộ đal được đầu tư xây dựng, các cầu bêtông thay thế cho cầu tạm; gần 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, có 1 điểm trường tiểu học trên địa bàn. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; nhiều chính sách an sinh xã hội cũng được triển khai trên địa bàn, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, cải thiện đời sống…

Đồng chí Thạch Bô - Trưởng Ban Nhân dân ấp Ko Kô thông tin: “Bà con tại Ko Kô luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người dân còn tích cực lao động, sản xuất và nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả; con em được đến trường, đến lớp đầy đủ. Tình hình an ninh trật tự ở đây rất ổn định. Giao thông nông thôn được đầu tư, phục vụ dân sinh. Từ các chương trình, dự án được hỗ trợ, mọi người phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Đồng chí Đặng Thanh Nhặn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: “Hiện tại, ấp Ko Kô có sự tiến bộ rõ rệt. Được trên quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều chương trình, dự án; trên địa bàn ấp có Đường huyện 26, Đường huyện 28 đi qua nên thuận tiện cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa của người dân. Thời gian qua, bằng các nguồn vốn hỗ trợ, người dân đã sử dụng khá hiệu quả trong hoạt động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, trên địa bàn chỉ còn 21 hộ nghèo”.

Tôi tiếp tục hành trình khám phá vùng đất Ko Kô với nhiều trải nghiệm mới. Đi đến cuối ấp thì đèn đường đã sáng hòa vào ánh sáng của các ngôi nhà khang trang làm lòng người càng thêm phấn khởi. Xóm nhỏ đang từng ngày thay da đổi thịt, đời sống bà con được cải thiện và nâng lên mọi mặt, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.

HOÀNG PHÚC