Kỳ 1: Thực trạng nước sinh hoạt ở đô thị
Nhiều người dân ở thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) tiếp tục phàn nàn về việc thiếu nước sạch sinh hoạt ở đô thị. Thiếu nước sinh hoạt hoặc có nhưng không đều, không đảm bảo chất lượng đã xảy ra trong thời gian dài, cao điểm nhất là lúc hạn, mặn.
Điệp khúc nước yếu, nước bẩn
Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Bởi nước sạch giúp cho con người duy trì cuộc sống hằng ngày, cung cấp cho các nhu cầu thiết yếu từ sử dụng trong ăn uống đến các hoạt động sinh hoạt. Để thỏa mãn nhu cầu cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần không dưới 50 lít nước sạch/ngày. Thế nhưng, nhiều tháng nay, người dân trên địa bàn thành phố Sóc Trăng phải sống trong tình trạng thiếu nước “cục bộ” và nguồn nước đôi lúc bị bẩn, không đảm bảo, gây bức xúc trong nhân dân.
Người dân thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) thiếu nước sạch trong sinh hoạt. Ảnh: KIM NGỌC
Theo cô Võ Thùy Biên ngụ Khóm 3, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, nhiều tháng nay nguồn nước máy cung cấp không đủ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Vào các giờ cao điểm (thường buổi sáng từ 5 giờ 30 phút đến 7 giờ; trưa từ 11 giờ đến 13 giờ; chiều 17 giờ đến 21 giờ), nước chảy nhỏ giọt, rất yếu và đôi lúc mở van không hề có nước. “Thường ngày, tôi đi làm về khoảng 18 giờ. Với thời tiết nắng nóng gay gắt, oi bức, mùi mồ hôi rất khó chịu nên chỉ thèm được tắm cho mát mẻ, thoải mái nhưng chẳng có nước để tắm. Nhà tôi có 3 van nước máy, thường vào giờ cao điểm chỉ cần mở 1 van xài thì đồng nghĩa 2 van kia không có nước hoặc có nhưng nước chảy rất yếu. Do vậy, tôi phải ưu tiên cho việc nấu nướng trước; sau đó mới nghĩ tới việc tắm rửa và thường khoảng 21 giờ, tôi mới có đủ nước để tắm rửa thoải mái…” - cô Biên chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của cô Biên, nhà của cô là nhà cấp 4 còn đỡ, những nhà có lầu, có gác thì đành “bó tay”, không thể có nước sử dụng. Cô Biên phàn nàn: “Thằng em họ ở gần, những van nước trên lầu, mở không hề có nước luôn. Do vậy, vợ chồng thằng em mua mô tơ về bơm và mua bồn về chứa nước để sử dụng. Khổ cái, mỗi lần vợ chồng nó bơm nước lên trữ là các van nước nhà tôi mở không có một giọt nước. Lúc đầu, tôi tưởng cúp nước; sau để ý mới biết và dặn nó nên bơm lên trữ vào ban đêm thôi để những người xung quanh còn có nước mà xài”.
Không những nước yếu mà nguồn nước máy đôi lúc còn bẩn, chị Nguyễn Thúy Hằng ngụ Khóm 5, Phường 3, thành phố Sóc Trăng bức xúc: “Vừa rồi, tranh thủ khoảng hơn 3 giờ thức, xả nước vào xô để sáng còn có cái sử dụng. Nào ngờ nước xả ra đen ngầu, có cặn và có cả mùi hôi rất khó chịu. Tôi không dám nấu nướng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Dạo này, tôi mua nước bình về để dành nấu làm phát sinh thêm một phần chi phí sinh hoạt; còn nước máy chỉ để tắm rửa… Ở thành thị mà nguồn nước quá tệ, dạo này, nguồn nước còn mặn, tôi tưới mấy cây kiểng, nó chết sạch. Cơ địa tôi không khỏe, tắm đêm dễ bị cảm nhưng nước đâu mà tắm sớm!”.
Việc nguồn nước máy yếu, không đảm bảo đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Chị Hằng cho biết, vì nguồn nước yếu, những người mua bán rất vất vả, cạnh nhà bán đồ ăn sáng và thông thường khoảng 4 giờ, họ mới thức dậy để chuẩn bị “bắc bếp”. Từ ngày nước yếu, hộ bên cạnh 1 giờ sáng đã phải thức để xả nước máy cho đầy các thùng và chuẩn bị mọi thứ trước, sợ trễ không có nước để rửa đồ. Trong khi, chị Hằng thuộc tuýp dễ mất ngủ và dễ bị thức giấc. Nhà hàng xóm vất vả vì thiếu nước, không có nước thì chị Hằng cũng bần thần cái đầu, trạng thái mệt mỏi vì mất ngủ do nước.
Một số hộ dân sinh sống trên địa bàn thành phố Sóc Trăng phản ánh trên app Công dân Sóc Trăng về tình trạng nước dơ và đen, có mùi hôi…
Câu chuyện về nước sinh hoạt những tháng qua có thể xem là vấn đề "hot" của nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố. Chị Phan Ngọc Thanh (tạm trú Khóm 6, Phường 6, thành phố Sóc Trăng) cho biết: "Bây giờ gặp nhau câu nói đầu tiên mà mọi người chào hỏi nhau là chỗ nhà em, nhà chị có nước không? Nước chảy mạnh không? Nước có bị phèn không?...".
Đồng chí Trần Văn Nhanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng đánh giá: “Trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch mở rộng đô thị liên tục phát triển, nhu cầu sử dụng nước sạch của khách hàng tăng liên tục. Tuy nhiên, nguồn nước khai thác của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an toàn, chất lượng, khối lượng nguồn nước để phục vụ người dân, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Sóc Trăng. Trong khi đó, nguồn nước mặt cũng chịu áp lực lớn của biến đổi khí hậu, mặn ngày càng xâm nhập sâu vào đất liền và diễn biến thường xuyên, công nghệ của một số nhà máy nước đã lạc hậu, một số tuyến đường ống cấp nước đã quá cũ, gây khó khăn trong quá trình xử lý, cung cấp nước đến khách hàng, người dân”.
Đơn vị liên quan lên tiếng
Trong thời gian qua, Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp cũng như tăng cường đầu tư cho hạ tầng cấp nước, cụ thể như: khoan bổ sung nguồn nước cho các nhà máy nước đủ điều kiện nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nước sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước đến những khu vực lân cận thuộc phạm vi quản lý của công ty mà còn khó khăn chưa có nguồn nước sạch sử dụng, nhằm giúp người dân có nguồn nước sạch sử dụng đảm bảo hợp vệ sinh. Đầu tư cải tạo công nghệ cho các nhà máy để xử lý nguồn nước khai thác đảm bảo chất lượng cung cấp. Cải tạo các tuyến ống cấp nước nhằm tăng lưu lượng, áp lực đến các khu vực cuối nguồn.
Công nhân Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng kiểm tra hệ thống lọc nước. Ảnh: KIM NGỌC
Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng hiện đang quản lý và khai thác hệ thống cấp nước đô thị gồm 24 nhà máy/trạm xử lý nước với tổng công suất được cấp phép khai thác là 97.770m3/ngày đêm, gồm có 6 nhà máy tại thành phố Sóc Trăng, 3 nhà máy tại thị xã, 14 nhà máy tại các xã, thị trấn.
Công suất cấp nước vào mạng lưới hiện tại khoảng 70.000m3/ngày đêm, nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm (89%) và nước mặt (11%), tổng số giếng khoan đang quản lý, khai thác là 64 giếng (14 giếng tầng sâu và 50 giếng tầng nông) và 2 trạm khai thác nước mặt, cung cấp nước sạch cho hơn 100.000 hộ khách hàng.
Với công suất hiện nay, tình hình cấp nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân, tuy nhiên cũng có thể xảy ra tình trạng nước yếu tại một số khu vực vào giờ cao điểm do nhu cầu tăng cao.
Ông Đặng Văn Ngọ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh Sóc Trăng lý giải: “Với đặc thù chất lượng nguồn nước ngầm tại khu vực tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cùng với những khó khăn về nguyên tắc khoanh định và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo Nghị định số 167/2018/NĐ-CP, ngày 26/12/2018 của Chính phủ về quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, do đó khi khai thác theo đúng lưu lượng của giấy phép thì vi phạm độ sâu mực nước động, còn khi khai thác đảm bảo quy định độ sâu mực nước động thì không đủ lưu lượng nước theo giấy phép. Đầu năm 2024, tình hình xâm nhập mặn đến sớm hơn nên khu vực Nam Bộ bị ảnh hưởng trên diện rộng và khốc liệt hơn. Vấn đề này khiến nhiều địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn nước cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Theo ông Ngọ, chất lượng nước chưa đảm bảo là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cụ thể là nguồn nước mặt và nước ngầm đang bị nhiễm mặn, các giếng khoan nước ngầm có mực nước động hạ thấp, khả năng hồi lưu nguồn nước chậm, trữ lượng khai thác nước phục vụ cho các nhà máy sản xuất nước không đảm bảo dẫn đến nguồn nước cung cấp đến khách hàng giảm đáng kể. Từ đó, dẫn đến tình trạng nước yếu, chất lượng nước bị ảnh hưởng cục bộ tại một số khu vực cuối tuyến ống vào thời gian cao điểm.
SỚM MAI - KIM NGỌC
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin