Tháng Năm, mùa trái chín

04:59, 18/05/2024

STO - Hoa phượng rực cháy trên cành, cổng trường khép lại, mặt đất cũng bắt đầu được giải cơn khát nước bởi những cơn mưa đầu mùa quý giá. Vậy là tháng Năm lại về, mùa trái chín quê tôi cũng bắt đầu từ đây.

Về Kế Sách (Sóc Trăng) quê tôi vào những ngày trời chớm hè, du khách gần xa sẽ dễ dàng bắt gặp một khung cảnh nên thơ bởi sự đa sắc, đậm hương của những vườn trái cây đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Ở thủ phủ trái cây này, dù là những người am hiểu nhất, từng sinh ra và lớn lên ở đây cũng khó có thể kể hết được tên của từng loại cây trái. Nếu liệt kê, chín rộ nhất vào tháng Năm thì chỉ có họ hàng nhà nhãn, sầu riêng, dâu, măng cụt.

Ngày trước, Kế Sách là một huyện thuần nông, chủ yếu là trồng lúa, các loại cây ăn trái chỉ được trồng tại một số xã có cù lao mọc giữa dòng sông Hậu như: Nhơn Mỹ, An Lạc Tây, Phong Nẫm. Muốn ăn trái cây ngon phải chờ vào dịp tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 khi cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ tổ chức Ngày hội sông nước miệt vườn. Theo thời gian thì các loại trái cây đặc sản cũng vượt sông về đất liền “bén duyên”, tạo nên một làng quê Kế Sách trù phú như hiện tại.

Thu hoạch nhãn ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà trái cây bây giờ có mặt quanh năm trên thị trường với nhiều chủng loại. Tuy nhiên, chất lượng trái cây nghịch vụ thì không thể sánh kịp với trái cây vào mùa. Dâu và măng cụt là hai loại trái cây điển hình như vậy.

So với măng cụt thì dâu cho trái dễ hơn. Ở quê tôi có hai giống dâu chủ lực là dâu xanh và dâu hạ châu. Hễ trời bước vào tiết xuân là dâu ra hoa, kết quả. Măng cụt thì cũng ra hoa cùng thời điểm với dâu nhưng loại trái cây này rất khó tính. Nếu đa phần các loại cây trái khác ưa thời tiết mát mẻ thì măng cụt lại ưa thời tiết khắc nghiệt, gặp năm nào nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhiều thì măng cụt sẽ trúng mùa. Nhưng giữa dâu và măng cụt lại có điểm chung là rất ưa thích mưa khi sắp chín. Dâu dù chín đến đâu nhưng nếu trời không mưa thì trái sẽ rất chua, chỉ cần qua vài cơn mưa là dâu ngọt lịm. Riêng măng cụt, khi trái già, nếu gặp vài cơn mưa dầm là sẽ rất mau chín, cho vị ngọt thanh, bằng không thì trái cứ giữ mãi một màu xanh lì lợm.

Sầu riêng và nhãn thì dễ tính hơn dâu và măng cụt, mùa nào cũng có thể cho trái nhưng ngon nhất cũng chỉ khi vào mùa thuận, tức vào tháng Năm âm lịch. Vào các mùa khác, trái cho chất lượng thấp, lại dễ nhiễm sâu bệnh. Ngược lại, trái cây vào mùa, dù giá cả không cao bằng mùa nghịch nhưng người trồng rất nhàn, trái cây lại cho chất lượng tuyệt hảo.

Mùa trái chín quê tôi cũng là mùa sum họp gia đình. Con cháu học hành xa nhà cũng tranh thủ thời gian nghỉ hè để về thăm quê, thưởng thức trái cây vườn nhà ông bà. Tôi cũng có một khu vườn nhỏ sau nhà trồng đủ loại cây ăn trái để cho con cháu thưởng thức mỗi khi về thăm nhà. Hàng xóm nhiều người cứ trêu đùa tôi: “Vườn trồng đủ thứ vậy, bán tiền gạo gì. Cứ đốn trồng một loại cây đặc sản cho thu nhập cao, dễ làm giàu hơn”. Nhưng họ đâu nhìn thấy được những giá trị tinh thần vô giá mà khu vườn ấy mang lại. Nó chính là sợi chỉ đỏ vô hình buộc chặt tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý, nó nhắc nhớ những đứa con xa xứ quay về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, để biết yêu quý và trân trọng những gì mà ông bà mình đã dày công vun đắp.

Bây giờ thì người dân quê tôi đã ăn nên làm ra từ chính mảnh vườn mà mình đã một nắng hai sương chăm bón. Nhiều khu du lịch sinh thái miệt vườn mọc lên nhờ sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và khối óc sáng tạo của những người nông dân chân chất. Mùa trái chín quê tôi giờ nhộn nhịp hẳn. Bạn bè gần xa ngày càng biết đến nhiều hơn về vùng đất nằm bên dòng sông Hậu hiền hòa này. Tất cả mọi thứ đều thay đổi, duy chỉ có tấm lòng của những người dân quê tôi là vẫn thảo thơm, hiếu khách, ngày từng ngày vẫn cần mẫn lao động, dâng đời vị ngọt, hương thơm.

QUÁCH TẤN THUẦN