Nói về kiến thì có rất nhiều loài như: kiến lửa, kiến hôi, kiến bầu, kiến vàng, kiến riện… Mỗi loài đều có một vai trò nhất định đối với môi trường sống, nhưng với những người nông dân trồng cây ăn trái thì kiến vàng được xem là người bạn thân thiết nhất, giúp ích rất nhiều cho họ trong cuộc sống và trong lao động sản xuất.
Kiến vàng thường có thân hình dài hơn các loài kiến khác, với màu vàng cam đặc trưng đối với kiến thợ và màu nâu xanh đối với kiến chúa. Môi trường sống của kiến vàng cũng khác so với các giống kiến còn lại. Chúng thường làm tổ trên cây, đặc biệt là các loại cây có múi, cây có lá to. Tổ của kiến vàng thường được kết lại từ nhiều chiếc lá chồng lên nhau, có tổ to đến bằng cái thúng đựng lúa, tùy theo số lượng kiến trong đàn.
Thả nuôi kiến vàng trong vườn chanh. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN
Ông ngoại tôi có một khu vườn rộng, trồng rất nhiều loại cây có múi như: cam, quýt, bưởi nên hồi nhỏ tôi thường theo ông đi bắt kiến vàng về thả vào vườn để bảo vệ cây khỏi sâu bọ tấn công. Để tìm được tổ kiến vàng không phải là chuyện dễ, bởi kiến vàng thường làm tổ tại những khu vườn hoang, cây cối rậm rạp, ít người lui tới. Cắt được tổ kiến lại càng khó hơn, kiến thường làm tổ trên cao, khứu giác của chúng lại rất nhạy, hễ có hơi người là cả binh đoàn kiến thợ sẵn sàng xông pha trận mạc bảo vệ tổ của mình. Mỗi lần đi bắt tổ kiến, ông tôi thường đem theo rất nhiều bao, mỗi tổ cho vào một bao. Tôi thắc mắc hỏi thì được ông giải thích: “Sở dĩ phải bỏ mỗi tổ vào một bao riêng vì loài kiến vàng có tính tư hữu lãnh địa rất cao, mỗi tổ được ví như một gia đình nhỏ, nếu bỏ chung các tổ vào nhau thì chắc chắn chúng sẽ đánh nhau đến một mất một còn để bảo vệ các thành viên trong tổ.
Kiến vàng dù to hơn kiến hôi rất nhiều nhưng chúng lại rất sợ kiến hôi. Trong mọi cuộc chiến thì phần thua đều nghiêng hẳn về kiến vàng. Cho nên, trước khi đem kiến vàng về vườn thả, ông tôi thường tiêu diệt kiến hôi trước.
Dù chỉ là một loài khá nhỏ bé nhưng kiến vàng được xem là thiên địch chống lại rất nhiều loài sâu hại, rầy rệp trên cây ăn trái. Có những loại sâu có thân hình to hơn chúng rất nhiều lần nhưng gặp kiến vàng thì phải chào thua. Ngoài góp công tiêu diệt sâu rầy giúp người nông dân thì kiến vàng còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây ăn trái. Vườn càng nhiều kiến thì trái cây càng bóng đẹp và có độ ngọt càng cao.
Tuy mang nhiều lợi ích nhưng sự hiện diện quá nhiều trong vườn của kiến vàng cũng gây ra không ít phiền phức cho người nông dân, bởi đây là loài rất hung dữ, hễ chạm đến lãnh địa của chúng là coi như no đòn. Dù vậy, ông tôi có một cách rất hay mà mỗi khi thu hoạch trái cây ông thường thực hiện để hạn chế bị kiến cắn. Biết được tập tính ăn tạp của chúng nên mỗi lần hái trái ông thường chuẩn bị trước các loại cá khô có mùi để dẫn dụ chúng vào một chỗ, bởi trong vườn ông tôi thường lấy dây chuối nối lại với nhau để làm đường đi cho kiến. Hễ nghe có mùi thịt, cá là kiến lại theo dây tập trung về đó, vậy là việc hái trái cây khỏe re, không lo bị kiến cắn.
Có vườn cây ăn trái, tôi vẫn cố gắng giữ gìn những kinh nghiệm quý báu mà ông tôi đã truyền trao, hễ đi đâu gặp tổ kiến vàng là tôi lại cắt đem về thả vào vườn. Mỗi lần, nếu buộc phải phun thuốc bảo vệ thực vật là tôi lại tìm cách nhử chúng ra nơi khác xong xuôi lại tìm cách đưa chúng trở lại vườn. Với tôi, kiến vàng như một người bạn cố tri, chúng giúp tôi có được sự chan hòa cuộc sống với thiên nhiên, biết sống có tình có nghĩa, có thủy có chung với những người đã giúp đỡ mình trong cuộc sống, kể cả đó là một loài vật tầm thường như ông tôi đã từng đối đãi với kiến vàng ngày trước.
QUÁCH TẤN THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin