Về đâu nghề xe ôm truyền thống

06:17, 27/06/2024

STO - Nếu có một cuộc điều tra xã hội học về mức độ phổ biến của các nghề tự do, tôi dám chắc rằng nghề xe ôm sẽ nằm trong tốp đầu. Đi bất cứ nơi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp người chạy xe ôm, có thể ở quê, ở thị tứ, thị trấn, thành phố. Nhìn bề ngoài, người chạy xe ôm truyền thống có vẻ nhàn hạ vì họ không phải chân lấm tay bùn, làm việc không theo giờ giấc bắt buộc nhưng thực ra nghề này không ít thăng trầm, lại càng khó khăn trong cuộc mưu sinh thời điểm hiện tại. Nhưng thật ra, nghề này đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Tài xế xe ôm chờ khách tại góc đường Tôn Đức Thắng của thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng).

Tìm về thời vàng son của xe ôm truyền thống

Vào mỗi sáng sớm cuối tuần, tại quán cà phê vỉa hè, tôi và những người khách quen nhâm nhi cà phê nói chuyện trên trời, dưới đất. Trong mỗi lần như vậy, tôi biết thêm mấy người bạn chạy xe ôm. Và từ đó, những câu chuyện về nghề chạy xe ôm làm tôi vô cùng ấn tượng. Thấy tôi có vẻ tò mò, anh Hai Hùng - người có thâm niên chạy xe ôm tại thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) gợi ý: “Muốn biết nghề chạy xe ôm, sáng mai nhà báo ra chạy xe ôm với chúng tôi cho biết khổ với người ta”. Tôi chẳng cần suy nghĩ, đồng ý ngay.

Đến sáng hôm sau, tôi vận chiếc áo quá khổ rộng thùng thình, chiếc quần ka ki nhiều túi, chạy chiếc xe cà tàng, tìm đến bến xe ôm như lời hẹn. Đây là bến xe do cánh xe ôm tự đặt, đủ rộng cho vài chiếc xe gắn máy đậu, có nhiều cây xanh cho bóng mát, tại góc đường Tôn Đức Thắng của thành phố Sóc Trăng. Tại đây, cánh xe ôm đến đậu thoải mái, không phân biệt gì hết. Ấn tượng đầu tiên với tôi là các tài xế xe ôm ai cũng có nước da cháy nắng, nét mặt hiện rõ dấu hiệu vất vả vì sương gió, bụi bặm đường xa.

Vừa gặp tôi, anh Hai Hùng buông một câu nửa đùa nửa thật: “Nghề xe ôm rong ruổi mà vẫn hái ra tiền, nhưng đó là câu chuyện của những ngày xe ôm là dịch vụ thuận tiện nhất”. Đó là vào năm 1990 đến những năm 2000, chạy xe ôm được xem là lựa chọn khả dĩ cho những ai không có nghề nghiệp, công việc ổn định. Những nông dân ở nông thôn cũng tìm lên trung tâm tỉnh lỵ hoặc các thị trấn, thị tứ để hành nghề xe ôm lúc nông nhàn. Thuở ban đầu còn ít người làm nghề xe ôm nên có thể nói ngày ấy gần như không có sự cạnh tranh. Chính điều này đã làm cuộc sống của những bác tài xe ôm được cải thiện. Anh Quách Thuận - tài xế xe ôm tại thành phố Sóc Trăng nhớ lại: “Tôi chạy xe ôm đến nay hơn 20 năm nay, hồi xưa, không có công việc ổn định, thấy chạy xe ôm thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống nên làm luôn. Lúc đó, ở Sóc Trăng, người dân chưa sắm xe gắn máy nhiều, chưa có taxi nên xe ôm dễ sống, thu nhập không lớn nhưng đều đặn hằng ngày. Thậm chí, có ngày được chạy cho khách đi liên tỉnh, liên huyện thì coi như khỏe, sống được mấy ngày”.

Bên cạnh đó, có những người chọn công việc làm tài xế xe ôm để tranh thủ thời gian rảnh rỗi, vì không muốn gò bó về mặt thời gian và được đi nhiều nơi. Anh Hà Văn Tuấn, ở huyện Long Phú chia sẻ: “Nghề xe ôm tuy có vất vả nhưng lại không bắt buộc mình theo giờ giấc cố định, mình tự làm chủ mình nên thoải mái. Tôi tranh thủ thời gian lúc rảnh rỗi chuyện đồng áng thì chạy xe ôm kiếm thêm, tới nay đã mấy chục năm rồi, hôm nào thấy mệt thì nghỉ, hôm sau chạy tiếp. Lúc trước, chạy xe ôm “có ăn” lắm”.

Nghề xe ôm cũng có những nguy hiểm và đối mặt hiện tại bấp bênh

Nhiều người cho rằng, nghề chạy xe ôm thỉnh thoảng lại gặp những tình huống khó khăn và nguy hiểm như: nhiều lúc người chạy xe phải dầm mưa dãi nắng cả ngày để chờ khách; hay những lúc gặp người lừa gạt, không trả tiền, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”; thậm chí có khi là nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông, những vụ giết người cướp của... Nghề xe ôm ít khi nào từ chối cũng bởi mưu sinh; khách hàng luôn được coi là thượng đế, chấp nhận rủi ro. Và đây cũng chính là thời cơ các đối tượng xấu thường lợi dụng để thực hiện ý đồ. Anh Lương Minh Hải - xe ôm ở thành phố Sóc Trăng tâm tình: “Cả ngày ngồi phơi nắng, đội mưa, khi có khách hỏi đi xe là thấy mừng rồi, chọn lựa gì nữa. Mình cũng không biết người nào tốt, người nào xấu mà tránh, cho nên có lần chở ngay tên cướp mà không biết, giữa đường lợi dụng lúc trời tối, đường vắng nó lấy dao khống chế mình để cướp xe. Tôi chống trả quyết liệt nên nó bỏ chạy, tôi lãnh mấy vết thương, nằm bệnh viện mấy ngày. Mấy năm trước, anh em xe ôm khi chở khách đi các huyện, qua các đoạn đường vắng lâu lâu lại bị trấn lột, nên nhiều anh em không chở khách đi xa vào ban đêm, dù giá cả có cao đến mấy”.

May mắn hơn anh Lương Minh Hải, anh Quách Thuận chỉ bị quỵt tiền công trong những cuốc xe ôm. “Có những cuốc xe tôi chở khách tới nơi, khách xuống xe lủi mất tiêu, thế là xong, lỗ tiền xăng luôn; có khi khách nói không có tiền, đứng cự nhau một hồi rồi huề cả làng. Sau này, hễ gặp ai khả nghi là tôi đề nghị khách đưa một phần tiền đổ xăng trước rồi mới chạy”.

/file/8e61a0b4907d319401909010f0cf012c/img/100512xeom720.mp4

Tài xế xe ôm truyền thống tâm tình chuyện nghề nghiệp. Clip: HOÀNG PHÚC

Đó chưa phải là điều làm tài xế xe ôm lo lắng nhất, điều đáng lo hơn chính là thu nhập hiện nay quá bấp bênh. Thời điểm hiện tại, khi các phương tiện giao thông công cộng quá phổ biến, từ taxi, xe khách đến xe ôm công nghệ hoạt động 24/24, mọi người tha hồ lựa chọn cách thức di chuyển phù hợp. Xe ôm truyền thống trở nên lạc lõng, lép vế hoàn toàn với các “đối thủ”. Anh Quách Thuận tâm tình: “Bây giờ, nhà ai cũng có xe, taxi, xe ôm công nghệ thì hoạt động mạnh với nhiều lợi thế, khách hàng lựa chọn loại nào tốt thì người ta đi. Tôi nghĩ xe ôm truyền thống ế cũng là xu thế chung, vài năm nữa chắc không ai chạy xe ôm nữa. Có hôm tôi ngồi cả ngày trời không có một cuốc nào, chủ yếu chạy mối quen cho mấy bà đi chợ”.

Cạnh chiếc xe anh Hai Hùng, ngồi vắt vẻo trên chiếc xe Wave, hóng chuyện của tôi với anh Hai Hùng, ông Bảy Văn ở Phường 4 (thành phố Sóc Trăng) bộc bạch: “Lúc trước, tôi còn chạy lai rai, từ năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát là ế luôn. Tôi và mấy anh em ở đây phần vì lớn tuổi, phần vì không có vốn làm ăn nên ráng chạy xe ôm, chứ ai cũng ngán hết trơn, bữa có khách bữa không”.

Kết thúc một ngày chạy xe ôm truyền thống, cũng là lúc nhá nhem tối, trên đường về, tôi vẫn không quên được cánh xe ôm tại góc đường Tôn Đức Thắng khi ưu tiên cho lính mới như tôi một chuyến chở khách khoảng 10 cây số, để mở hàng. Hành động đó đã khiến tôi nhận ra một điều là họ làm nghề này không chỉ vì mưu sinh mà còn vì tình người giữa cánh xe ôm lâu năm dành cho “chiến sĩ” mới vào nghề. Càng không thể quên đôi mắt xa xăm, nét mặt buồn rười rượi của anh Thuận khi ế khách rồi buột miệng kêu “chắc phải kiếm nghề khác mà làm ăn thôi anh em, ế quá rồi”. Đó còn là hình ảnh anh Hùng, anh Tuấn trông ngóng, chờ cái vẫy tay hay tiếng gọi của “thượng đế”. Quả thật đây là một nghề dễ làm với tất cả mọi người nhưng không dễ kiếm tiền với cuộc sống hiện nay.

HOÀNG PHÚC