Tăng cường tiếng Việt cho trẻ - “Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

HUỲNH NHƯ 10:12, 12/09/2024

STO - Trẻ em là những chủ nhân tương lai của đất nước. Bên cạnh công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, đảm bảo cho trẻ em phát triển toàn diện. Trong những năm qua, Sóc Trăng thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn huyện Long Phú, đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, tạo thuận lợi để học sinh học tập, lĩnh hội tri thức.

Giúp trẻ tiếp cận tiếng Việt

Năm học mới 2024 - 2025, Trường Mẫu giáo Long Phú, xã Long Phú (huyện Long Phú) có 451 trẻ, với 16 lớp.

Nhà trường đã bố trí cô giáo mầm non người dân tộc Khmer để thuận lợi hơn trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Cô Trần Thị Ngọc Trâm - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Phú cho biết: “Toàn trường có trên 83% học sinh dân tộc Khmer. Trẻ khi bắt đầu vào học mầm non đều chưa nói rành tiếng Việt, do vậy hầu hết các em chưa mạnh dạn khi giao tiếp, chưa tham gia sôi nổi các hoạt động. Do đó, nhà trường luôn quan tâm bố trí những giáo viên nhiệt tình, có trình độ chuyên môn tốt và là người dân tộc Khmer hoặc thông thạo tiếng Khmer để làm chủ nhiệm lớp và dạy môn tiếng Việt cho trẻ”.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Long Phú hướng dẫn học sinh làm quen chữ cái. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Giáo viên Trường Mẫu giáo Long Phú hướng dẫn học sinh làm quen chữ cái. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Điểm Trường Mẫu giáo Trường Khánh, xã Trường Khánh (huyện Long Phú) có tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer chiếm trên 50% học sinh toàn trường. “Các em học sinh dân tộc Khmer khi mới vào lớp thường là nói tiếng mẹ đẻ, do đó dẫn đến khả năng nói tiếng Việt và nghe, hiểu tiếng Việt của các em còn hạn chế. Tôi là người dân tộc Khmer nên cũng có thuận lợi hơn so với các giáo viên khác trong giảng dạy hay giao tiếp với trẻ. Tôi đã thực hiện song ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Khmer để trao đổi với các em, do vậy các em cũng nhanh chóng làm quen và nói được tiếng Việt dần tốt hơn”, cô Lý Thị Hòa, giáo viên Trường Mẫu giáo Trường Khánh cho hay.

Toàn huyện Long Phú có trên 28% dân số là đồng bào DTTS (chủ yếu là dân tộc Khmer). Theo đồng chí Nguyễn Kim Phước - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Phú, xác định công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng đồng bào DTTS là “chìa khóa” quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Long Phú đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện công tác này. Mục tiêu là giúp trẻ có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Từ đó, tạo tiền đề để trẻ học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo. Qua đó, phòng cũng triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, thực hiện dạy song ngữ (vừa tiếng Việt, vừa tiếng Khmer). Cụ thể như tại các đơn vị trường có đông trẻ là người dân tộc Khmer, hầu hết các đơn vị đều phân công giáo viên dân tộc Khmer đứng lớp và sử dụng song ngữ để luyện tiếng Việt cho trẻ.

Song song đó, các trường còn thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Quan tâm trang trí lớp học, các góc học tập khoa học, có ứng dụng nâng cao năng lực ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ; các góc chơi trong trường được xây dựng mang tính mở, phong phú về hình ảnh có gắn chú thích bằng tiếng Việt; kết hợp chữ viết ở trên các bảng biểu, góc học tập, đồ dùng, đồ chơi, ghi tên các cây hoa, cây xanh quanh khuôn viên nhà trường…

Góc học tập, góc chơi trong các trường mầm non được xây dựng mang tính mở, phong phú về hình ảnh có gắn chú thích bằng tiếng Việt. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Ngoài ra, các đơn vị trường cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ, thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt ngay tại gia đình và tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng nơi trẻ đang sinh sống tăng cường giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt.

Song cùng với các giải pháp trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Phú đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đối với công tác tăng cường tiếng Việt, tạo điều kiện cho mọi trẻ em nói chung, trẻ em người DTTS nói riêng có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động vui chơi, học tập, trải nghiệm để phát triển toàn diện. Tính riêng đối với các trường mầm non tại các địa phương vùng đồng bào DTTS, từ năm học 2020 - 2021 đến 2023 - 2024, đã có trên 55 tỷ đồng đầu tư cho công tác xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trường mầm non đạt chuẩn quốc gia gắn với mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi.

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

100% học sinh DTTS ra lớp được tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi và hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi. 100% trẻ DTTS đang học ở trường được tăng cường tiếng Việt; trẻ có kỹ năng nghe, nói và nhận biết được 29 chữ cái và 10 chữ số.

Với sự nỗ lực, tích cực của ngành Giáo dục huyện và các đơn vị trường trên địa bàn huyện, công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ: 100% học sinh DTTS ra lớp được tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi và hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi. 100% trẻ DTTS đang học ở trường được tăng cường tiếng Việt; trẻ có kỹ năng nghe, nói và nhận biết được 29 chữ cái và 10 chữ số. Số lượng huy động trẻ ra lớp tăng dần theo từng năm học. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ các trường cũng được nâng lên rõ rệt. Trẻ được đánh giá đạt các mục tiêu cuối độ tuổi chiếm tỷ lệ từ 95% trở lên; các kỹ năng nghe, hiểu, nói tiếng Việt của trẻ hằng năm đều đạt từ 95 - 97%  trở lên; 100% trẻ 5 tuổi được chuyển lên lớp 1 được đánh giá có khả năng sử dụng tiếng Việt tốt.

Góc tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại Trường Mẫu giáo Long Phú, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: HUỲNH NHƯ

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với giáo dục mầm non vùng đồng bào DTTS, bởi rào cản ngôn ngữ là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em không thích ra lớp, làm giảm tỷ lệ huy động trẻ, khó khăn trong việc tiếp thu và lĩnh hội kiến thức cũng như học các kỹ năng sống trong cuộc sống hằng ngày của trẻ. Dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS không dễ dàng, không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể phải chung tay thực hiện, đặc biệt là cán bộ quản lý, giáo viên phải tâm huyết và thực sự yêu nghề, mến trẻ, tích cực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của trường, của địa phương.

Với những giải pháp tích cực, đồng bộ, đồng thời được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tin tưởng trẻ em vùng đồng bào DTTS huyện Long Phú sẽ có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

HUỲNH NHƯ