Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ:
Tiếp tục là điểm sáng trong công tác giáo dục phổ thông cho sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, là một phần trong văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ

CTV 04:56, 06/12/2024

STO - Ngày 15/11/1994, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định thành lập Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Việc thành lập Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ đã mở ra một trang mới trong công tác giáo dục, đào tạo tăng sinh Phật giáo Nam tông các tỉnh khu vực Nam Bộ. Bởi vì, mô hình hoạt động giáo dục đặc thù của nhà trường là rất đặc biệt và chưa từng có từ trước đến nay. Ngày 10/3/2008, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, xác định vị trí trường là đơn vị sự nghiệp công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc UBND tỉnh, có con dấu và tài khoản riêng; được hưởng chế độ như trường phổ thông dân tộc nội trú. Mục tiêu của trường là đào tạo cán bộ, sư sãi người Khmer phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế các tỉnh khu vực Nam Bộ. Đó là cơ sở pháp lý để nhà trường tổ chức và hoạt động.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội trong chuyến công tác tại Sóc Trăng và đã đến thăm Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Ảnh CHÍ BẢO

Trường mang tính đặc thù do đối tượng tuyển sinh của trường là các vị sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer đã tốt nghiệp tiếng Pali sơ cấp (Roong) và hoàn thành chương trình tiểu học. Đây là một sự kết hợp rất chặt chẽ giữa đối tượng tuyển sinh và chương trình dạy học, thời gian học 5 năm/khóa vừa phù hợp với quá trình tu học của các tăng sinh từ sơ cấp đến trung cấp, vừa phù hợp với độ tuổi của các tăng sinh. Dạy những môn văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông chiếm 75% thời lượng, kết hợp với dạy tiếng Pali và Ngữ văn Khmer chiếm 25% thời lượng. Các vị tăng sinh sau khi hoàn thành chương trình học nếu đủ điều kiện thì được đăng ký dự thi tốt nghiệp và nếu tốt nghiệp sẽ có trình độ trung học phổ thông, Trung cấp tiếng Pali và Trung học Ngữ văn Khmer.

Năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo mời các chuyên gia, các vị nhân sĩ trí thức và giáo viên của trường tham gia biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn Khmer, tiếng Pali, được Hội đồng thẩm định thông qua ngày 20/8/2005. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Ngữ văn Khmer trung học từ lớp 10 đến lớp 12 và Chương trình Pali Trung cấp từ lớp 6 đến lớp 12 thực hiện tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ từ năm 2005.

Đây là một điều kiện cần thiết để nhà trường xây dựng kế hoạch giảng dạy môn Ngữ văn Khmer và tiếng Pali, đồng thời tổ chức và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục hằng năm. Năm 2010, trường xây dựng chương trình phối hợp làm việc giữa trường với Sở Nội vụ, Ban Dân tộc và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh nhằm hỗ trợ nhà trường công tác tuyển sinh theo quy chế, phối hợp thực hiện giáo dục ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của trường và giới luật nhà sư; cung cấp thông tin hai chiều giữa nhà trường với Sở Nội vụ, Ban Dân tộc và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh về tình hình thực hiện nội quy, quy chế, kết quả học tập của học viên…

Trải qua 30 năm hoạt động và trưởng thành, có lúc trường cũng gặp khó khăn, tuy nhiên với sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành cùng với sự quyết tâm nỗ lực của cán bộ, giáo viên, trường đã duy trì hoạt động cho đến nay và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Trường phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phối hợp Đội theo dõi, hướng dẫn thực hiện công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thuộc Phòng Tham mưu và các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh xây dựng và thực hiện mô hình “4 không, 4 có” giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nhà trường trở thành một điểm sáng về giáo dục, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để thầy, cô và các sư an tâm học tập, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Thành quả sau 30 năm của nhà trường đạt được tuy còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa rất to lớn, là một minh chứng cho việc thực hiện chính sách giáo dục đào tạo đối với đồng bào dân tộc và Phật giáo Nam tông, nhất là lĩnh vực giáo dục liên quan đến văn hóa, ngôn ngữ Khmer, trong đó có tiếng Pali. Khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, nhất quán của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, khẳng định sự vào cuộc hiệu quả của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, trực tiếp là Ban Dân tộc Trung ương Đảng (Phân Ban Dân tộc Trung ương Nam Bộ), Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng qua các thời kỳ, sự đóng góp của phật tử chùa KhLéang; sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của lãnh đạo trường, thầy, trò Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ; sự ủng hộ của các dân tộc, các tôn giáo, trực tiếp là đồng bào Phật tử Nam tông Khmer.

Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, tập trung giáo dục, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, viên chức và học viên; chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục cho mỗi năm học bảo đảm tính ổn định lâu dài; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức và triển khai thực hiện mô hình “4 không, 4 có” về giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng trường trở thành một điểm sáng về giáo dục đặc thù. Tiếp tục khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, tôn giáo và nhất là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển.

 

Hòa thượng Tăng Nô,

Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam,

Trưởng Ban Trị sự Phật giáo, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng,

Phó Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ