Trường Trung học phổ thông Lương Định Của:
Nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

HUỲNH NHƯ 05:39, 10/12/2024

STO - Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, vượt qua mọi khó khăn, thách thức ban đầu, GDPT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có bước phát triển, đổi mới khá toàn diện, chất lượng đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình. Năm học 2024 - 2025 là năm thứ ba thực hiện chương trình đối với cấp trung học phổ thông (THPT), qua triển khai chương trình đã đem lại một số kết quả tích cực ban đầu. Trong đó, Trường THPT Lương Định Của, huyện Long Phú (Sóc Trăng) là một trong những trường tích cực, chủ động, sáng tạo với nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình GDPT mới.

Kế hoạch giáo dục của trường đảm bảo mức độ cần đạt của chương trình

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai, quán triệt và định hướng nhiệm vụ trọng tâm cho các hoạt động giáo dục nhà trường trong năm học mới theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo và chỉ đạo các tổ bộ môn xây dựng kế hoạch giáo dục bộ môn, điều chỉnh phân phối chương trình cốt lõi với chuyên đề học tập nhằm đảm bảo tính logic về nội dung kiến thức giữa chương trình cốt lõi và chuyên đề học tập của môn học để học sinh dễ tiếp thu, phù hợp với tình hình học sinh và cơ sở vật chất của nhà trường. Các tổ chuyên môn phân phối chương trình chi tiết của môn học và các hoạt động giáo dục của môn học dựa trên khung kế hoạch thời gian năm học của trường.

Cô và trò Trường THPT Lương Định Của trong giờ học theo chương trình mới. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Việc xây dựng tổ hợp môn lựa chọn và chuyên đề phân công giảng dạy các môn học và hoạt động giáo dục của lớp 10, 11, 12, nhà trường còn căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của bộ và của sở cũng như tình hình thực tế của nhà trường về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, học lực và xu thế chọn lựa môn học của học sinh. Cụ thể, ban giám hiệu xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường để thống nhất hướng dẫn cho học sinh lựa chọn. Đồng thời, tổ chức tư vấn cho học sinh lớp 10 mới tuyển sinh lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp của bản thân để đăng ký học, trong đó, có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá

Chương trình GDPT 2018 là chương trình giáo dục đổi mới toàn diện từ sách giáo khoa đến phương pháp dạy học và cả chương trình học. Một chương trình dạy học hướng tới kết quả đầu ra và giáo dục theo phẩm chất, năng lực. Do đó, việc đổi mới phương pháp dạy học phải đảm bảo các yếu tố, hình thức, mô hình, phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực là chuyển từ “học đi đôi với hành” sang “học” thông qua “hành”. Chuyển hình thức dạy học từ nghe, nhìn sang tự trình bày và làm. Trong đó, chức năng quan trọng nhất của giáo viên chính là người dẫn đường, định hướng và hỗ trợ học sinh lĩnh hội được tri thức, phát triển các phẩm chất, năng lực hình thành nhân cách. Vì thế, mỗi giáo viên đều không ngừng trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, tác phong nhằm thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Trường THPT Lương Định Của được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Cô Võ Thị Diễm Thúy - giáo viên Trường THPT Lương Định Của cho biết:

Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với chương trình mới, bên cạnh việc tiếp thu nghiêm túc các mô đun bồi dưỡng thực hiện chương trình, bản thân mỗi giáo viên cũng phải tích cực đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học. Các em học sinh cũng hứng thú hơn, tự tin, chủ động trong các hoạt động học tập, nhờ đó hiệu quả giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt.

Đối với Trường THPT Lương Định Của, Ban Giám hiệu trường thường xuyên quán triệt, chỉ đạo tất cả giáo viên thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch giáo dục bộ môn và kế hoạch dạy cho mỗi năm học từ khi áp dụng chương trình mới. Cụ thể, xây dựng kế hoạch giáo dục bộ môn định hướng phát triển năng lực học sinh theo hướng tinh giảm để tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng học tập của học sinh, tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy. Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành. Tất cả giáo viên phải soạn giáo án theo phương pháp mới nhằm tăng cường và phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh.

Việc đánh giá, xếp loại học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo tất cả giáo viên thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và căn cứ các công văn hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng. Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ nghiêm túc, khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh, phù hợp với hình thức dạy và học. Không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành.

Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới

Đầu năm học, các tổ bộ môn kiểm đếm đồ dùng, thiết bị dạy học hiện có để làm đề nghị sửa chữa hoặc mua sắm bổ sung trong khả năng kinh phí của trường. Nhà trường xây dựng kế hoạch cho giáo viên tự làm đồ dùng dạy học, yêu cầu giáo viên tăng cường sử dụng thiết bị dạy học hiện có để đảm bảo việc dạy học có chất lượng, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ công tác quản lý thiết bị dạy học. Tổ trưởng chuyên môn thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thí nghiệm thực hành của bộ môn, vệ sinh phòng thí nghiệm và ghi chép cập nhật nội dung quy định vào sổ. Nhà trường kiểm tra nội bộ định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện kế hoạch thực hành thí nghiệm của giáo viên bộ môn, công tác quản lý phòng bộ môn trong năm học. Qua đó, đánh giá hiệu quả sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học của giáo viên, nhằm kịp thời đôn đốc, nhắc nhở giáo viên hoặc tổ chuyên môn thực hiện chưa tốt.

Cô Tô Thị Ánh Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Định Của cho biết: 

Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình, là cán bộ quản lý giáo dục, tôi nhận thấy Chương trình GDPT 2018 có nhiều tác động rất tích cực, như: chương trình định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho người học và những năng lực, phẩm chất này đã được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học và từng cấp học. Sự đổi mới toàn diện, đồng bộ từ chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá...

Qua đó, học sinh làm chủ được kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng vào đời sống thực tế; phương pháp dạy học chú trọng tổ chức hoạt động học nhằm hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh; giáo viên thay đổi mục tiêu dạy học từ “truyền thụ kiến thức” sang dạy học “phát triển năng lực”. Chương trình còn tạo thuận lợi cho nhà trường và địa phương là được trao quyền chủ động, trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học cũng như tổ chức thực hiện.

Chương trình GDPT 2018 đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp. Như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định: “Trước mắt, chúng ta còn nhiều vướng mắc, còn nhiều việc chưa hài lòng, còn nhiều việc phải làm tốt hơn, nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng chúng ta đã đạt được những mục tiêu rất căn bản. Những gì chưa làm được là bộ phận, là việc nhỏ hơn những việc đã làm được”. Dù vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định, song với sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, sự nỗ lực của các nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, tin rằng việc triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ đạt mục tiêu đề ra.

HUỲNH NHƯ