Tiếp bước em đến trường
Theo đồng chí Nguyễn Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Châu Thành, với phương châm “Không có học sinh nào không được đến trường vì thiếu điều kiện, dụng cụ học tập”, hằng năm, Hội Khuyến học huyện, hội cấp xã phối hợp các đơn vị liên quan vận động các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp hàng tỷ đồng để trao học bổng, chi khen thưởng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tính riêng năm 2023, Huyện hội và các hội trực thuộc đã vận động hơn 7,3 tỷ đồng thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, đã trao học bổng cho trên 5.200 học sinh, sinh viên; khen thưởng, tặng quà cho trên 15.000 lượt học sinh, sinh viên; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và sửa chữa trường học…
Hội Khuyến học huyện Châu Thành (Sóc Trăng) kết nối với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn đến trường. Ảnh: NGỌC HẢI
Năm 2024 là năm thứ 3 Hội Khuyến học huyện Châu Thành phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh huyện tổ chức chương trình “Tiếp bước đến trường - Vì em hiếu học - Thắp sáng niềm tin”. Tính đến nay, chương trình đã “tiếp sức” 3 học sinh, tổng trị giá học bổng trên 85 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Châu Thành Phạm Thị Đảo cho biết: “Khi nắm được trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng, ban tổ chức chương trình đến tìm hiểu và bắt đầu vận động nguồn hỗ trợ. Từ năm 2022 - 2024, ban tổ chức chương trình đã trao học bổng cho em Thạch Sà Rây, xã An Ninh; em Lý Hoàng Nghiệp, xã Thuận Hòa và em Võ Thị Phương Thủy, thị trấn Châu Thành. Sau khi trao học bổng, hội tiếp tục quan tâm các em để có sự hỗ trợ kịp thời. Được biết, em Thạch Sà Rây hiện là sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng. Thành quả của công tác khuyến học, khuyến tài có sự đồng hành của rất nhiều tổ chức, cá nhân, như: cụ Trần Cang, xã Phú Tâm; Đại đức Thích Huệ Thuận - Trụ trì chùa Sơn Linh (huyện Châu Thành), Ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025; ông Trịnh Lập Đức, Phường 7, thành phố Sóc Trăng; bà Lê Thị Diệu, thị trấn Châu Thành; bà Thạch Thị Hơ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp từ thiện huyện Châu Thành; bà Nguyễn Vũ Tường Vi - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Phú, xã Thiện Mỹ; gia đình Bác sĩ Võ Việt Tín, xã An Hiệp… Ngoài ra, còn có nhóm “Hạt gạo tình thương”; nhóm “Tình người Sóc Trăng”…”.
Nhận được học bổng, em Phương Thủy xúc động chia sẻ: “Năm học 2023 - 2024, con bỏ dở chuyện học vì theo nuôi ba bị bệnh nặng. Nhà con có 5 người, ba bị bệnh không lao động được, mẹ gồng gánh nuôi cả nhà. Anh Hai đi nghĩa vụ quân sự, em con thì mới 9 tháng tuổi, nên con muốn nghỉ học tiếp mẹ lo cho gia đình. Nhận được học bổng này, con vui lắm. Năm học sau, con bước vào lớp 12, con sẽ cố gắng học tốt để không phụ sự quan tâm của Hội Khuyến học huyện, các tổ chức, cá nhân. Học hết cấp 3, con sẽ học nghề, để kiếm tiền lo cho gia đình”.
Học không bao giờ cùng
Tại huyện Châu Thành, các mô hình học tập như: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” ngày càng phát triển vững chắc. Số lượng đăng ký thực hiện các mô hình này tăng lên đáng kể. Công tác tuyên truyền cho người dân học tập suốt đời ở mọi lúc, mọi nơi cũng được hội khuyến học cấp huyện, xã đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, hội phối hợp với ngành Giáo dục và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và các ngành liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như: giáo dục kỹ năng sống; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, học sinh và người lao động. Nâng cao chất lượng nghề phổ thông, khuyến khích dạy nghề truyền thống của địa phương như: đan lục bình, đan lợp, trồng nấm rơm, trồng cây kiểng, nuôi gà công nghiệp, heo cao sản, làm bánh...
Bên cạnh đó, các cấp hội khuyến học trong huyện đã tích cực triển khai phong trào học không bao giờ cùng. Trong đó, động viên tất cả mọi người, kể cả người lớn tuổi học tập thường xuyên theo hướng học trực tiếp và trực tuyến, học ở trường lớp, nơi làm việc, tại nhà… trên cơ sở xây dựng các kỹ năng số cho người học, lấy tự học làm cốt.
Ông Nguyễn Văn Luyến, ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) là tấm gương sáng cho phong trào học không bao giờ cùng. Ảnh: NGỌC HẢI
Ông Nguyễn Văn Luyến, ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành là tấm gương sáng cho phong trào học không bao giờ cùng. Tuy quá tuổi lục tuần, nhưng ông vẫn chăm chỉ học tập, năm 2023, ông đã nhận bằng Trung cấp Y sĩ Y học cổ truyền của Trường Trung cấp Tây Sài Gòn. Ông Luyến kể: “Do điều kiện gia đình, tôi không được học hành nhiều, vì thế vợ chồng tôi ráng làm lo cho 2 con gái học đại học, cao đẳng. Khi cuộc sống gia đình ổn định, tôi bắt đầu nghĩ đến việc học”.
Trước đây ông sống ở vùng biển thuộc tỉnh Cà Mau. Thấy ai đau khớp, bệnh thông thường, ông biết bài thuốc dân gian nên chỉ cho hết. Về Sóc Trăng sinh sống, ông theo anh em chặt cây thuốc nam, giúp người nghèo trị bệnh. “Dần dà, tôi cũng đăng ký học lớp châm cứu, bấm huyệt ở Cần Thơ. Rồi đăng ký thi và trúng tuyển lớp Trung cấp Y sĩ Y học cổ truyền. Lúc tôi học dịch Covid-19 bùng phát, phải học online, tôi cũng mày mò vượt khó để học. Lớn tuổi, cộng thêm bị chi phối công việc gia đình, nhưng tôi không bỏ cuộc, 2 năm tôi đã nhận được bằng tốt nghiệp. Tôi muốn đem kiến thức mình học được để phục vụ cho người nghèo bị bệnh tật mà không có kinh phí điều trị”, ông Luyến tiếp lời.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới Hội Khuyến học huyện Châu Thành sẽ tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, mang lại lợi ích nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện cho người dân học tập và học tập suốt đời.
NGỌC HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin