Trường Tiểu học An Thạnh 1B có phòng học tiếng Anh xây dựng theo hướng hiện đại, đúng chuẩn phòng lab. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Trường Tiểu học An Thạnh 1B (huyện Cù Lao Dung) là một trong những trường tiêu biểu thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học. Với cơ sở vật chất được đầu tư tương đối đồng bộ, 100% phòng học có màn hình tivi được kết nối internet; 2 phòng tin học được đầu tư 40 máy tính và 1 phòng học tiếng Anh đúng chuẩn phòng lab, có bảng tương tác, với có 35 máy tính cho từng em, đủ các thiết bị học tập cần thiết.
Theo thầy Nguyễn Quốc Khởi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh 1B, trường luôn khuyến khích, động viên giáo viên sử dụng các phần mềm dạy học, thiết bị điện tử dạy và học. Hiện 100% viên chức và người lao động của trường đều ứng dụng CNTT trong giảng dạy và làm việc. Hệ thống máy tính của trường đều được kết nối internet phục vụ công tác quản lý và phục vụ các hoạt động giáo dục đáp ứng với yêu cầu của nhà trường. Đồng thời, trường còn thực hiện quản lý hành chính, tài chính và tài sản thông qua hệ thống các phần mềm điện tử.
Thư viện Trường Tiểu học An Thạnh 1B có trang bị máy tính kết nối internet phục vụ nghiên cúu, truy cập thông tin của giáo viên và học sinh. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Việc thực hiện chuyển đổi số, nhất là ứng dụng các phần mềm công nghệ vào trong các tiết học giúp thầy cô tiết kiệm được thời gian. Cô Nguyễn Thị Kiều Nhi - giáo viên môn tiếng Anh, Trường Tiểu học An Thạnh 1B chia sẻ: “Tôi luôn tự học hỏi, tìm hiểu các phầm mềm dạy học phù hợp với học sinh để xây dựng các tiết học sinh động, dễ nhớ thông qua các hình ảnh, đồ họa, âm thanh. Ngoài ra, việc áp dụng CNTT vào giảng dạy còn giúp phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng ứng dụng thiết bị thông minh cho học sinh”.
Không chỉ sử dụng dụng cụ học tập truyền thống, các tiết dạy của giáo viên Trường Mầm non Họa Mi (huyện Cù Lao Dung) còn được trình chiếu trên màn hình với những video, hình ảnh, âm thanh sinh động. Mỗi bài giảng của cô giáo tạo được sự cuốn hút, hứng thú đối với học sinh. Cô Ngô Thị Kiều Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi cho biết: “Hầu hết giáo viên trong trường hiện nay đều ứng dụng các phầm mềm dạy học, xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử. Việc ứng dụng CNTT vào trong giảng dạy đã tạo hứng thú cho cả giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, trong quản lý, nhà trường đang khai thác và sử dụng tốt các phần mềm quản lý như: phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành, quản lý trường học, quản lý học phí, quản lý phổ cập, dinh dưỡng, phần mềm Misa kế toán, phần mềm quản lý thu, chi không dùng tiền mặt… Sau khi ứng dụng các phần mềm nêu trên, nhà trường đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, kinh phí và còn tiện lợi cho người sử dụng, dễ theo dõi, hiệu quả cao trong công việc”.
Tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cù Lao Dung, tỷ lệ giao dịch và giải quyết hồ sơ công việc trên môi trường số đạt 80%. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 30 trường, trong đó, có 8 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 7 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông. Xác định việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngành Giáo dục huyện chú trọng đầu tư mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu ứng dụng CNTT, chuyển đối số. Song song đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện còn xây dựng, ban hành kế hoạch “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” triển khai đến tất cả các trường trên địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ giúp giáo viên phát huy hiệu quả dạy và học theo phương pháp mới. Rất nhiều trường học trên địa bàn huyện có phòng học được trang bị tivi có kết nối internet. 100% trường tiểu học được triển khai học bạ điện tử, số hóa các hồ sơ; cán bộ quản lý và giáo viên của các trường đều sử dụng thành thạo các phầm mềm, giáo án điện tử phục vụ công tác quản lý và dạy học. Nhờ việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT công tác quản lý được chặt chẽ, nhanh gọn và lưu trữ tốt; học sinh hứng thú và chủ động hơn với mỗi bài học, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Đến nay, các trường và cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến ngành giáo dục, kết nối đầy đủ, toàn diện dữ liệu giữa các đơn vị, cơ quan nhằm cung cấp thông tin kịp thời, phục vụ công tác báo cáo, theo dõi, giám sát, dự báo, kiểm tra và thanh tra của các cơ quan quản lý giáo dục. Trong đó, tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tỷ lệ giao dịch và giải quyết hồ sơ công việc trên môi trường số đạt 80%, các trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non đạt 60%. Đồng thời, phòng đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đến các cơ sở giáo dục trực thuộc, trong đó có Trường Mầm non Họa Mi thực hiện đạt 100% tất cả các khoản thu, chi không dùng tiền mặt tại trường.
“Để đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian tới, ngành Giáo dục huyện tiếp tục tuyên truyền cho giáo viên, đặc biệt là cán bộ quản lý cần đi đầu trong công tác chuyển đổi số. Cần phát triển nội dung giáo dục số đa dạng và phù hợp với chương trình giảng dạy, từ các ứng dụng giáo dục đến các tài liệu học tập kỹ thuật số. Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả nhất định trong công tác quản lý, dạy học của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn việc chuyển đổi số, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía có liên quan. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng phấn đấu, nỗ lực hết mình để đạt những mục tiêu mà đơn vị đã đề ra”, đồng chí Dương Văn Kha - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cù Lao Dung cho biết.
Từ những kết quả bước đầu, có thể nói, ngành Giáo dục huyện Cù Lao Dung đã và đang tạo chuyển biến rõ nét trong đổi mới giáo dục, góp phần triển khai thành công kế hoạch chuyển đổi số của ngành giáo dục trong toàn tỉnh và hướng tới xây dựng nền giáo dục số hiện đại.
HUỲNH NHƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin