Ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho năm học mới

05:05, 27/08/2024

STO - Năm học 2024 - 2025 đã cận kề, trước thềm năm học mới, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Châu Tuấn Hồng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng về công tác chuẩn bị cho năm học mới và những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra cho năm học này của ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng.

Đồng chí Châu Tuấn Hồng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết quy mô, mạng lưới trường, lớp của tỉnh trong năm học 2024 - 2025? 

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Năm học 2024 - 2025, tỉnh Sóc Trăng có 475 trường (458 trường công lập, 17 trường ngoài công lập). Trong đó, cấp trung học phổ thông có 40 trường (39 trường công lập, 1 trường ngoài công lập); cấp trung học cơ sở có 108 trường (106 trường công lập, 2 trường ngoài công lập); cấp tiểu học có 197 trường (195 trường công lập, 2 trường ngoài công lập); bậc học mầm non - mẫu giáo có 130 trường (118 trường công lập, 12 trường ngoài công lập). So với năm học 2023 - 2024, năm học này giảm 4 trường.

Mạng lưới trường, lớp từng bước được quan tâm sắp xếp đảm bảo điều kiện đi lại, học tập của học sinh. Ngành đã sắp xếp xóa dần các điểm lẻ, các phòng học tạm bợ, giảm các điểm trường mà điều kiện chưa đảm bảo để tập trung học sinh ở những nơi có điều kiện thuận lợi, cơ sở vật chất được nâng cấp. Từ đó, cho học sinh được thụ hưởng sự công bằng trong giáo dục, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Phóng viên: Đến thời điểm này, ngành Giáo dục đã có sự chuẩn bị như thế nào cho năm học mới - thưa đồng chí?

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Xác định năm học 2024 - 2025 là một năm học đánh dấu mốc thời gian đặc biệt: Hoàn tất việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) từ lớp 1 đến lớp 12; cũng là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo CTGDPT mới; năm kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết số 127/NQ-HĐND, ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh, Kế hoạch số 03/KH-UBND, ngày 5/1/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Cho nên, trước khi bước vào năm học mới 2024 - 2025, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã có một sự chuẩn bị nhiều mặt, cụ thể là các điều kiện để đảm bảo cho năm học mới như rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, rà soát biên chế, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục, định hướng các nội dung nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong năm học.

Riêng đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Sóc Trăng đã bố trí vốn trung hạn để đầu tư cho các cơ sở giáo dục với tổng vốn là 2.800 tỷ đồng (2.300 tỷ đồng xây dựng công trình, 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị dạy học). Ngoài ra, tỉnh còn bố trí 357 tỷ đồng cho đầu tư trang thiết bị phục vụ CTGDPT 2018 ở các khối lớp 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11 và 12. Năm 2023 và 2024, ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn chi thường xuyên cho giáo dục trên 3.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 39,3% trên tổng chi thường xuyên của ngân sách tỉnh).

Bên cạnh đó, tỉnh bố trí ngân sách chi đảm bảo hoạt động giáo dục và thực hiện tốt chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc diện chính sách; thực hiện phân bổ ngân sách để mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện CTGDPT 2018.

Hiện nay, các trường học xuống cấp do xây dựng thời gian trước đó đã được nâng cấp, sửa chữa, bổ sung các hạng mục công trình để đáp ứng cơ bản điều kiện dạy học theo CTGDPT 2018. Mặc dù khó đạt chuẩn theo quy định về diện tích và các phòng bộ môn ở tất cả các trường, lớp các cấp học theo quy định mới của Bộ GD&ĐT (trừ một số trường được xây mới), nhưng diện mạo trường, lớp của tỉnh Sóc Trăng đã khang trang hơn rất nhiều, vấn đề vệ sinh môi trường, trang trí trường, lớp được quan tâm hơn. Các thiết bị dạy học sắp xếp, bổ sung đưa vào khai thác sử dụng đáp ứng hiệu quả công tác dạy và học.

Phóng viên:  Xin đồng chí cho biết việc luân chuyển, điều động đội ngũ CBQL, cụ thể là vị trí hiệu trưởng và phó hiệu trưởng ở các trường trung học phổ thông đã được thực hiện ra sao? 

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục là lực lượng quan trọng góp phần quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục là quan tâm bồi dưỡng và phát triển chất lượng đội ngũ.

Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục có 17.452 CBQL, giáo viên (GV) và nhân viên (NV), trong đó 1.051 CBQL, 14.145 GV. Hiện nay, 100% CBQL của ngành đạt trình độ chuẩn, trong đó có 36,5% trên chuẩn. Có 92,69% GV đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Còn 7,31% GV chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đang tích cực học tập để đạt chuẩn theo quy định.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT đã tranh thủ thời gian trong hè, tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, lý luận chính trị cho CBQL và GV. Trong đó. Sở GD&ĐT phối hợp với các vụ, cục của Bộ GD&ĐT để CBQL, GV trực tiếp tiếp cận với chuyên gia nắm bắt cách thức thực hiện CTGDPT 2018; phối hợp với các nhà xuất bản để CBQL, GV được hướng dẫn khai thác, sử dụng sách giáo khoa từ các chủ biên của các bộ sách khác nhau; phối hợp với các viện, các trường đại học để CBQL, GV được nâng cao năng lực chuyên môn từ những giảng viên, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm; phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để bồi dưỡng lý luận chính trị cho CBQL, GV…

Mặt khác, Sở GD&ĐT cũng quan tâm bố trí, điều động, sắp xếp đội ngũ CBQL giáo dục vừa thực hiện theo quy định vừa tạo cơ hội để mỗi CBQL phát huy năng lực, sở trường của mình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Từ năm học 2022 - 2023, trên cơ sở quy định của Trung ương, chỉ đạo của tỉnh về quy định cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, cùng với sự bàn bạc thống nhất của cấp ủy Sở GD&ĐT, xem xét điều kiện công tác, khoảng cách địa lý, năng lực cá nhân, Sở GD&ĐT đã thực hiện việc luân chuyển, điều động cấp trưởng và cấp phó CBQL các cơ sở giáo dục trực thuộc theo đúng quy định.

Việc xem xét, sắp xếp, bố trí CBQL luôn đảm bảo tính khách quan, toàn diện, không gây xáo trộn. Các CBQL khi được bố trí đã nhanh chóng ổn định công tác và phát huy tốt năng lực, có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục cho đơn vị công tác.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết ngành giáo dục có những định hướng và quyết tâm gì trong năm học mới này? 

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Trên cơ sở chủ đề năm học mà Bộ GD&ĐT đã xác định “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng tập trung quan tâm 10 nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là đối tượng còn khó khăn trong tiếp cận giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Phát triển đội ngũ GV và CBQL cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục. Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.

Ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng cụ thể hóa 10 nhiệm vụ trọng tâm trên bằng những giải pháp cụ thể gắn với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong đó, vấn đề được đặc biệt quan tâm là chất lượng đội ngũ và những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng giáo dục. Mục tiêu năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục đặt ra và phấn đấu là nâng cao chất lượng giáo dục ngang tầm khu vực, kết quả học sinh giỏi quốc gia tiếp tục nâng lên, tỷ lệ tốt nghiệp phải tiếp tục duy trì ổn định.

Để đạt được kết quả này, cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Đặc biệt, cần có sự nỗ lực rất lớn của tập thể CBQL, GV, NV trong toàn ngành Giáo dục.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

HUỲNH NHƯ (Thực hiện)