Tính chính danh rõ ràng hơn
Nghị định 147/2024/NĐ-CP gồm 6 chương, 84 điều có hiệu lực từ ngày 25-12-2024. Một trong những điểm mới là quy định về quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới với những dịch vụ có lượng truy cập trên 100.000 mỗi tháng hoặc có sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP giúp bảo vệ trẻ em tốt hơn trước môi trường game. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo quy định, những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được hoạt động, bao gồm đăng thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. “Tôi cho rằng quy định như vậy là hết sức cần thiết vì sẽ tạo ra môi trường mạng sạch, phát triển bền vững”, anh Thành Tâm (quận 11, TPHCM) cho biết.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng được kỳ vọng đưa lĩnh vực game “vào nền nếp” hơn. Theo đó, nhà cung cấp phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian chơi trong ngày của người dưới 18 tuổi, không quá 60 phút đối với từng trò, không quá 180 phút với tất cả các trò chơi mà doanh nghiệp cung cấp. Ở Nghị định 27 năm 2018 chỉ quy định về giới hạn thời gian 180 phút và áp dụng với trò chơi được phân loại G1 (có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp). Nghị định mới mở rộng thêm quy định về việc chơi 60 phút một trò, đồng thời áp dụng trong việc cấp phép mọi trò chơi G1, G2, G3, G4, tức bao gồm cả các trò chơi online, offline, có tương tác giữa người chơi với nhau hay người chơi với máy.
“Trong thời gian gần đây, lĩnh vực game được quản lý khá chặt và các doanh nghiệp game cũng được cơ quan quản lý nhà nước định hướng hướng, trở thành ngành công nghiệp game. Nên với các quy định tại Nghị định 147 sẽ giúp ngành game phát triển lành mạnh hơn, hạn chế người chơi, nhất là các em nhỏ “nghiện game’, thay vào đó dành nhiều thời gian hơn để trang bị những kỹ năng hữu ích khác”, ông Thái Thanh Liêm, CEO studio game Topebox, chia sẻ.
Phòng chống lừa đảo trực tuyến
Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông và công nghệ thông tin đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, quản lý nhà nước và đời sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị tích cực, cũng tồn tại nhiều nguy cơ khi các đối tượng xấu sử dụng công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định cần phải có những giải pháp cụ thể để ngăn ngừa tình trạng này, trong đó có việc định danh cuộc gọi của cơ quan nhà nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đối tượng lừa đảo trực tuyến thường sử dụng điện thoại giả danh cơ quan nhà nước. Bộ TT-TT chỉ đạo nhà mạng đầu tư công nghệ, nếu cơ quan nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình. Nếu nhận được cuộc gọi ở thiết bị điện thoại không có màn hình, người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác định là đại diện cơ quan nhà nước. Bộ TT-TT cũng khuyến cáo người dân khi nhận các cuộc gọi xưng danh cơ quan nhà nước, nên kiểm tra kỹ thông tin và có thể yêu cầu gọi lại qua số điện thoại di động đã được định danh để đảm bảo chính xác. Nếu nghi ngờ là cuộc gọi lừa đảo, người dân nên báo cáo với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo Bộ TT-TT, hiện đã có 732 số điện thoại di động thuộc các cơ quan nhà nước đăng ký định danh để liên lạc trực tiếp với tổ chức, cá nhân, nhằm phục vụ các công việc chuyên môn. Các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, Mobifone, cùng các mạng di động ảo như Mobicast, Local, VNSky, FPT… đã hoàn tất khai báo tên định danh cho các số điện thoại này. Khi nhận cuộc gọi từ các số định danh này, người dân sẽ nhìn thấy tên cơ quan nhà nước hiển thị thay cho dãy số điện thoại. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại có độ dài 10 chữ số (đầu số 03, 05, 07, 08, 09) mà tự xưng là cơ quan nhà nước nhưng không hiển thị tên định danh, người dân cần cảnh giác và không nên thực hiện theo các yêu cầu từ cuộc gọi này.
BÁ TÂN - TRẦN LƯU/Báo SGGP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin