Nâng cao chất lượng lao động - chìa khóa cho phát triển kinh tế - xã hội

06:00, 21/12/2023

STO - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, đột phá đầu tiên là đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý) chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng từng bước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dự báo trong thời gian tới, tỉnh cần nguồn lao động rất lớn, đặc biệt là lực lượng lao động có tay nghề cao. Để thực hiện thắng lợi khâu đột phá này và cũng như đảm bảo nguồn lao động thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, “khơi thông” điểm sáng về lao động việc làm - giáo dục nghề nghiệp.

Kỳ 1: Thực trạng nguồn lao động của tỉnh Sóc Trăng

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều chương trình hành động, đề án, chính sách triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực và nguồn lao động để không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm để xây dựng đội ngũ lao động vừa có trình độ, vừa giỏi chuyên môn, tay nghề, ra sức cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Gam màu sáng trong “bức tranh” lao động việc làm - giáo dục nghề nghiệp

Theo số liệu điều tra cung - cầu lao động năm 2022, dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh Sóc Trăng là trên 769.000 người, trong đó lao động khu vực thành thị chiếm 23,81%; lao động khu vực nông thôn chiếm 76,19%. Cơ cấu lao động, ngành nghề, việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, tăng dần tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Nhìn chung, giai đoạn 2016 - 2022, số lượng, chất lượng lao động của tỉnh được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Người lao động từng bước đã tiếp cận được với nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là những ngành có tay nghề cao để đáp ứng với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi tăng từ 78,95% vào năm 2016 lên 83,25% vào năm 2022.

Tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi tăng lên 83,25% vào năm 2022. Ảnh: THIỆN HẢI

Về vấn đề này, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định: “Chất lượng nguồn lao động của tỉnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội từng bước được nâng lên, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất; giáo dục và đào tạo; chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân; phát triển du lịch… Đặc biệt, trong sản xuất, kinh doanh, đội ngũ lao động ở các công ty, doanh nghiệp là lực lượng trực tiếp tiếp nhận, làm chủ và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện và các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường…”.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh phát triển về quy mô, chất lượng đào tạo; đào tạo nghề nghiệp từng bước gắn với nhu cầu doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần tích cực vào việc phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Điển hình tại Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đang tuyển sinh và đào tạo 13 nghề với 2 cấp trình độ cao đẳng và trung cấp; tỷ lệ tuyển sinh những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Lưu lượng học sinh, sinh viên bình quân là 2.000 em. Hằng năm, có trên 500 học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Hiện nhà trường đã gắn kết với trên 70 công ty, doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Từ đó các doanh nghiệp cũng đã tuyển dụng được số lượng lớn những kỹ sư thực hành do trường đào tạo.

Theo đánh giá chung, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng nâng lên, năm 2022 chiếm tỷ lệ 62,31%. Người lao động có việc làm sau đào tạo nghề nghiệp đạt tỷ lệ 89,16%. Bình quân mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 25.900 lao động, trong đó đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 2.154 người, đạt 90,89% kế hoạch.

Chất lượng nguồn lao động chưa đủ “lực” để “bật”

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động tại tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cả về trước mắt và lâu dài. Chỉ số PCI về lao động của tỉnh năm 2022 vẫn ở mức thấp (xếp hạng 56/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; 10/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long). Thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông chỉ đạt 10% (chỉ tiêu đề ra là 30%). Tỷ lệ lao động của tỉnh di cư lao động ngoài tỉnh khá cao (chiếm 22% lao động trong độ tuổi)”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo còn cao, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt thấp, cuối năm 2022 mới đạt 28,65%. Chất lượng đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, nên nhiều học sinh, sinh viên ra trường khó xin được việc làm hoặc có việc làm nhưng không thực hiện được vị trí việc làm, các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, chế độ lương, đãi ngộ còn chưa cao, chưa thu hút nhiều lực lượng lao động trong tỉnh (khoảng 160.000 người làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh).

Theo đánh giá chung, công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Sóc Trăng phát triển về quy mô, chất lượng đào tạo. Ảnh: NGỌC HẢI

Từ thực trạng đó kéo theo thị trường lao động tỉnh Sóc Trăng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, chất lượng lao động tại tỉnh chưa có tính cạnh tranh so với các tỉnh, thành khác trong khu vực; tình trạng di cư cao; lao động có tay nghề, trình độ có xu hướng di cư đến những tỉnh, thành có thu nhập cao hơn. Lực lượng lao động chưa làm “hài lòng” doanh nghiệp, số lượng và trình độ của lao động trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp…

Phân tích thêm, bà Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh liệt kê những mặt còn tồn tại: “Nguồn lao động trẻ của tỉnh Sóc Trăng khá dồi dào nhưng năng suất không cao, do thiếu tính chuyên nghiệp và có một số lao động làm trái ngành nên thường thu nhập không cao. Một phần do đa số lao động trình độ phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học là chính, có tay nghề cao ít. Một số trung tâm dạy nghề bị xuống cấp và thiếu giáo viên cơ hữu, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Qua theo dõi, số lượng lao động đi làm việc nước ngoài hằng năm của tỉnh còn khá thấp (từ 200 - 300 lao động/năm) so với một số tỉnh trong khu vực. Thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao. Về phía doanh nghiệp, việc quan tâm đào tạo cho người lao động còn hạn chế; thiếu chính sách thu hút lao động giỏi về làm việc tại Sóc Trăng”.

Dự báo trong thời gian tới, tỉnh cần nguồn lao động rất lớn, đặc biệt là lực lượng lao động có tay nghề cao. Nhu cầu lao động mới tuyển dụng vào làm việc tại các khu công nghiệp giai đoạn 2023 - 2025 là 66.000 lao động và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200.000 lao động. Bình quân hằng năm tuyển dụng khoảng 33.000 người, với nhu cầu được đào tạo nghề chiếm 65 - 70%, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics, năng lượng tái tạo, cảng biển, chuyển đổi số...

Vì vậy, nếu những mặt còn tồn tại không có giải pháp khắc phục, lẽ dĩ nhiên là Sóc Trăng rơi vào tình trạng “khát” lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Đặc biệt, nếu không nâng cao chất lượng nguồn lao động thì rất khó có thể thu hút đầu tư. Do vậy, Sóc Trăng cần triển khai kịp thời giải pháp tạo đột phá trong phát triển nguồn lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao, đặc biệt là nguồn lao động phục vụ trong các ngành mũi nhọn, tiềm năng (nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thủy sản, du lịch, cảng biển, logistics, dịch vụ và chuyển đổi số…).

NGỌC HẢI

(Còn tiếp)