Nâng cao chất lượng lao động - chìa khóa cho phát triển kinh tế - xã hội

04:30, 24/12/2023

STO - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, đột phá đầu tiên là đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý) chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng từng bước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dự báo trong thời gian tới, tỉnh cần nguồn lao động rất lớn, đặc biệt là lực lượng lao động có tay nghề cao. Để thực hiện thắng lợi khâu đột phá này và cũng như đảm bảo nguồn lao động thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, “khơi thông” điểm sáng về lao động việc làm - giáo dục nghề nghiệp.

Kỳ 2: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh Sóc Trăng

Lao động - việc làm là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế góp phần đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện của người dân. Xây dựng lực lượng lao động với quy mô hợp lý, chất lượng tốt sẽ là tiền đề, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị. Cả về trước mắt và lâu dài, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì nâng cao chất lượng lao động là giải pháp được đặt ra hàng đầu để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng như triển khai hiệu quả Quy hoạch của tỉnh được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 995/QĐ-TTg phê duyệt vào ngày 25/8/2023.

Nâng chất lực lượng lao động

Nêu giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đề nghị tỉnh Sóc Trăng cần rà soát và chủ động ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trên địa bàn tỉnh về việc làm, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội, tập trung vào 3 nội dung: kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh xã hội bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, các giải pháp cần tính tới sự liên kết tỉnh, liên kết vùng. Đầu tư, nâng cao năng lực trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng kết nối liên tỉnh, liên vùng, đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho phát triển kinh tế.

Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng, tìm cơ hội việc làm. Ảnh: NGỌC HẢI

Đồng chí Lê Văn Thành cũng chỉ ra rằng, tỉnh cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ưu tiên phục vụ các ngành mũi nhọn, có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển. Đầu tư trung tâm đào tạo, thực hành nghề đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt trong việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành nghề mới, kỹ năng tương lai, tổ chức đào tạo và nhân rộng các chương trình đào tạo chuyển giao từ các nước phát triển.

Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 trên cơ sở đánh giá thực trạng đào tạo thời gian qua và quán triệt các nội dung trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương. Trong đó chú trọng khai thác thế mạnh các ngành, nghề trọng điểm của tỉnh, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Rà soát lại các ngành, nghề đào tạo, quy mô, cơ cấu đào tạo đảm bảo phát huy thế mạnh của trường và bám sát nhu cầu của thị trường lao động tại địa phương.

Đa dạng chương trình đào tạo, loại hình đào tạo và nâng cao chất lượng; triển khai đào tạo theo mô đun - tín chỉ để khai thác đào tạo theo nhu cầu của người học, của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp thuộc các địa bàn lân cận; tạo điều kiện thuận lợi công nhận kiến thức, kỹ năng cho người học đúng quy định.

Phía Trường Đại học Cần Thơ cũng khuyến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho các trường cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên trong địa bàn có cơ hội hợp tác liên kết đào tạo với Trường Đại học Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu đào tạo của địa phương và xã hội. Có cơ chế và chính sách để thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và cơ sở sử dụng nhân lực. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý ở các trường dưới sự hướng dẫn của chuyên gia về các nội dung liên quan đến quản lý và phát triển trường học.

Trường Đại học Cửu Long có ý kiến, tỉnh nên rà soát, sắp xếp lại hệ thống giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng loại hình trường, phát triển các trường ngoài công lập; xây dựng trường chất lượng cao ở các bậc học. Nâng cao chất lượng đào tạo đối với các trường: Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Nghề, Trường Chính trị tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Giữ chân và thu hút lao động

Về vấn đề này, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng định hướng: “Cấp ủy, chính quyền, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng trình độ lực lượng lao động và công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn; có kế hoạch sắp xếp, đào tạo, bố trí, sử dụng lao động phù hợp; quan tâm đến đội ngũ lao động trẻ, trí thức có trình độ cao. Mặt khác, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động đối với quê hương, đất nước. Đơn vị liên quan định kỳ tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại với người lao động về những vấn đề kinh tế - xã hội và những vấn đề lực lượng lao động quan tâm; kịp thời giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho người lao động”.

Thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng trình độ lực lượng lao động và công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn. Ảnh: NGỌC HẢI

Lãnh đạo Tỉnh ủy cũng yêu cầu phát huy tốt vai trò của đội ngũ trí thức, lao động có trình độ, tay nghề cao; tạo môi trường và điều kiện để đội ngũ này hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào thực tiễn sản xuất, được hưởng đầy đủ lợi ích tương xứng với kết quả sáng tạo của mình; tạo điều kiện để trí thức, lao động phát triển bằng chính phẩm chất và tài năng để cống hiến cho cơ quan, đơn vị, địa phương.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị, tỉnh Sóc Trăng cần triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc lâu dài, ổn định. Trước hết là xây dựng nhà ở, nhà lưu trú dành cho người lao động có thu nhập thấp; chú trọng các khu vực xây dựng thuận tiện trong việc di chuyển giữa nơi làm việc và nơi ở, đảm bảo người lao động có môi trường sinh sống an toàn. Tiếp đó là xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em của công nhân lao động. Bên cạnh đó, thường xuyên triển khai các chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để người lao động giảm gánh nặng về chi tiêu hằng ngày.

Về phía doanh nghiệp cần quan tâm và chủ động có các chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động trong kế hoạch sử dụng nhân lực dài hạn; thay đổi tư duy về sử dụng nguồn nhân công giá rẻ để đưa khoa học công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào hoạt động sản xuất, hướng đến người lao động làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Sự liên kết giữa chính quyền - nhà trường - nhà tuyển dụng, tạo thành vòng tròn khép kín tạo nguồn nhân lực được đào tạo theo yêu cầu, hạn chế được tình trạng người lao động không tìm được việc làm sau khi ra trường; nhà tuyển dụng không phải mất thời gian và chi phí để đào tạo lại đối với lao động mới tuyển do chưa đáp ứng được yêu cầu, phía chính quyền cũng giải được bài toán về lao động - việc làm.

Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh Sóc Trăng. Do vậy, Sóc Trăng đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vốn có, sớm đạt mục tiêu đưa Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

NGỌC HẢI