Thị xã Vĩnh Châu quan tâm công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

04:51, 12/12/2023

STO - Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cao nhất của tỉnh Sóc Trăng, dân tộc Khmer chiếm 52,52%, dân tộc Hoa chiếm 17,12% dân số toàn thị xã. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho ĐBDTTS. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để địa phương thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho ĐBDTTS.

Học sinh DTTS tham gia lớp tin học theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: CHÍ BẢO

Thời gian qua, thị xã Vĩnh Châu đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo nghề theo các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là tại ấp, khóm vùng sâu, vùng xa có đông ĐBDTTS sinh sống. Theo đồng chí Trần Nhuận Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu, với phương châm “dạy những cái người dân cần”, hằng năm các địa phương và trung tâm khảo sát nắm nhu cầu học nghề của người dân theo danh mục được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt. Các địa phương cho người dân chọn nghề học phù hợp để trung tâm mở lớp.

Phường 2, thị xã Vĩnh Châu chủ yếu là đồng bào Khmer sinh sống. Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, người dân mong muốn được đào tạo những nghề thiết yếu phục vụ cho sản xuất hằng ngày của gia đình. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu đã mở lớp đào tạo nghề đan giỏ nhựa cho bà con trong khóm. Thông qua lớp đào tạo nghề, người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chị Kim Thị Chanh Ly, ở khóm Soài Côn, Phường 2 (thị xã Vĩnh Châu) cho biết: “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu phối hợp với doanh nghiệp mở lớp đan giỏ nhựa cho 16 chị em phụ nữ ở đây. Thời gian học theo nhu cầu của chị em phụ nữ chọn vào buổi chiều từ 15 giờ đến 17 giờ khi xong công việc làm rẫy. Chị em tham gia học nghề mỗi buổi được hỗ trợ 30.000 đồng/người. Các chị em sau khi học nghề thành thạo được nhận nguyên liệu và gia công sản phẩm giỏ nhựa cho công ty. Với hình thức liên kết này, sau khi học nghề xong chị em có việc làm và có thu nhập ngay”.

Chị Tăng Thị Sà Vol, ở khóm Soài Côn, Phường 2 (thị xã Vĩnh Châu) chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có vài công rẫy, sau giờ làm rẫy, thời gian nhàn rỗi không có việc gì làm thêm. Sau khi được học nghề đan giỏ nhựa thành thạo, tôi và mấy chị em trong xóm nhận sản phẩm để làm, mỗi cái giỏ hoàn thành được trả 75.000 đồng, nhờ đó mà có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày”.

Nhiều phụ nữ dân tộc Khmer chọn học nghề đan giỏ nhựa. Ảnh: CHÍ BẢO 

Trong năm 2023, thị xã Vĩnh Châu đã đào tạo nghề cho 3.912/3.700 lao động, đạt 105,7% (trong đó, đào tạo nghề 50 lớp với 827 học viên, số lao động được đào tạo nghề cấp chứng chỉ là 827/700 lao động, đạt 118% chỉ tiêu nghị quyết HĐND thị xã giao, truyền nghề, kèm cặp nghề là 3.085 lao động).

Từ đầu năm đến nay, tổng số lao động được giới thiệu và tự tìm việc làm là 2.620/2.500 lao động, đạt 104,8% chỉ tiêu nghị quyết HĐND thị xã giao (trong đó giới thiệu việc làm cho 1.270 lao động; lao động tự tìm việc làm 1.350 lao động). Trung tâm phối hợp với các công ty ký kết hợp đồng và tổ chức tư vấn, tuyên truyền trực tiếp qua Zalo, trang thông tin điện tử của trung tâm để cho người lao động có nhu cầu đăng ký tham gia lao động ngoài nước và du học tại Đài Loan (Trung Quốc). Kết quả kế hoạch từ đầu năm đến nay có 72 lao động đủ điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 160% chỉ tiêu nghị quyết HĐND thị xã giao (72/45).

Đồng chí Trần Nhuận Thanh Liêm cho biết, đối với công tác đào tạo nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo gặp một số khó khăn, nhất là trình độ dân trí còn thấp; hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống rải rác nhiều nơi trên địa bàn, nên khó khăn trong việc huy động để mở lớp, trung tâm phải mở 1 lớp chia ra nhiều điểm để giảng dạy. Để khắc phục khó khăn này, lãnh đạo trung tâm tuyên truyền, vận động giảng viên chịu khó, sắp xếp đến địa bàn vùng sâu, vùng xa giảng dạy để đạt hiệu quả cao. Còn đối với công tác đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS có nhiều thuận lợi hơn do vùng có đông đồng bào Khmer, nơi có nhiều địa phương đồng bào Khmer sinh sống tập trung trên địa bàn. 

Đến nay, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là ĐBDTTS trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đã có sự đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ nhận thức của người dân, việc dạy nghề theo nhu cầu để ứng dụng thiết thực vào sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân đã giúp người dân tham gia lớp học nhanh chóng tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tiễn ngay tại gia đình, đồng thời giúp người dân, đặc biệt là đồng bào Khmer giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

CHÍ BẢO