Giải quyết việc làm, đào tạo lao động làm việc tại khu công nghiệp

NGỌC HẢI 04:57, 17/12/2024

STO - Khu Công nghiệp (KCN) An Nghiệp đã đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay phát triển nhanh và ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân (theo giá so sánh 2010) đạt 97 tỷ đồng/ha, đóng góp đáng kể trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương. Điều đáng nói nữa là, KCN này đã thu hút và giải quyết việc làm, đào tạo lao động cho hàng chục ngàn người.

Tổng số lao động có ký kết hợp đồng làm việc, lao động thời vụ, công nhật tại các doanh nghiệp trong KCN An Nghiệp khoảng 20.000 lao động. Cao điểm trong năm 2022, KCN An Nghiệp đã thu hút và giải quyết việc làm cho trên 26.000 lao động. Tổng số lao động làm việc lĩnh vực chế biến thủy sản chiếm 55%, may mặc chiếm 27%, đóng giày chiếm 6,7%, bao bì chiếm 2,6%, các lĩnh vực khác chiếm 8,7%. Lao động có trình độ bậc cao chiếm 5%, lao động bậc trung bình chiếm 7%, lao động phổ thông chiếm 88%.

KCN An Nghiệp đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện doanh nghiệp trong KCN đang thực hiện một số phương thức tuyển dụng người lao động (NLĐ) như: thông qua các trang tin điện tử chính thức của doanh nghiệp như website, Facebook, Zalo,…; thông qua sàn giao dịch việc làm và các phiên giao dịch về các địa phương do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ngoài ra còn thông qua việc giới thiệu của người thân, bạn bè của công nhân lao động trong KCN; treo băng rôn tuyển dụng tại doanh nghiệp, cổng KCN, đăng trên báo, đài…

Đối với công tác đào tạo lao động tại KCN An Nghiệp, sau khi nắm bắt được nhu cầu đào tạo lao động của doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN thực hiện gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động. Cũng thông qua việc tổ chức buổi làm việc giữa các ngành, cơ sở đào tạo, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện và doanh nghiệp trong KCN An Nghiệp có nhu cầu đào tạo lao động để thông tin đến doanh nghiệp biết các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay trong việc đào tạo nghề cho NLĐ. Ban Quản lý các KCN còn nắm bắt yêu cầu, tiêu chuẩn tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để từ đó định hướng đến việc đào tạo nghề theo các yêu cầu, tiêu chuẩn của doanh nghiệp, hướng đến việc giao kết, cung ứng lao động phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức phiên giao dịch việc làm, kết nối giữa NLĐ với doanh nghiệp. Ảnh: NGỌC HẢI

Nhìn chung trong thời gian qua, Ban Quản lý các KCN thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, đào tạo lao động của doanh nghiệp tại KCN An Nghiệp. Thông tin kịp thời, công khai nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp về mức lương, ngành nghề tuyển dụng và các chế độ khác đến người dân có nhu cầu tìm việc để đăng ký tuyển dụng.

Tuy nhiên, công tác tuyển dụng, đào tạo lao động làm việc trong KCN còn tồn tại không ít hạn chế. Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ việc làm Sóc Trăng và phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực trong việc làm cầu nối hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong KCN thông qua việc tổ chức sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm. Tuy nhiên, kết quả thực tế chưa đạt theo mong muốn của các doanh nghiệp do còn tùy thuộc vào yêu cầu của NLĐ. Qua khảo sát kết quả tuyển dụng lao động của một số doanh nghiệp trong KCN An Nghiệp, sau khi tham gia các phiên giao dịch việc làm tại một số địa phương thì doanh nghiệp chỉ tuyển dụng được vài chục lao động, chưa đạt 20% so nhu cầu.

NLĐ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về môi trường lao việc, nâng cao tay nghề. Ảnh: NGỌC HẢI

Các doanh nghiệp trong KCN có nhiều chính sách về phúc lợi, các khoản phụ cấp về nhà ở, xăng, chuyên cần, xét tăng lương, thưởng hằng năm nhưng chưa gắn với điều kiện về thâm niên làm việc để từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho NLĐ, để họ có thể yên tâm đồng hành, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa có nhiều hoạt động ký kết hợp tác trong tuyển dụng, đào tạo nghề. Doanh nghiệp còn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, cơ chế lợi ích khi tham gia đào tạo nghề nghiệp. Các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng NLĐ chưa qua đào tạo hoặc yêu cầu kỹ năng, tay nghề rất cao so với khả năng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Việc chậm triển khai xây dựng khu dịch vụ và nhà ở công nhân cũng gây không ít khó khăn trong việc tuyển dụng, giữ chân NLĐ làm việc tại địa phương.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng có 10 KCN với diện tích 4.334ha. Tương ứng số lao động làm việc tại KCN đến năm 2025 dự kiến 110.000 người và đến năm 2030 dự kiến khoảng 225.000 người. Số lao động mới cần tuyển dụng vào làm tại KCN giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 85.000 người, giai đoạn 2026 - 2030 là 115.000 người. Nhu cầu được đào tạo nghề chiếm khoảng 65 - 70%, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, đóng giày, cơ khí, cơ điện, điện lạnh, điện tử, tự động hóa, vận hành, bảo trì, sửa chữa dây chuyền, máy móc, thiết bị, logistics...

Trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN tuyển dụng, đào tạo lao động làm việc, Ban Quản lý các KCN đề ra một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Trước hết là thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, đào tạo lao động của các doanh nghiệp trong KCN. Trên cơ sở đó cung cấp thông tin cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chính quyền địa phương để thực hiện kết nối với doanh nghiệp trong KCN trong tuyển dụng, đào tạo lao động cung ứng cho doanh nghiệp. Làm cầu nối liên hệ giữa doanh nghiệp trong KCN với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong việc đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Song song đó, cần tạo điều kiện để học sinh các trường phổ thông, trung học cơ sở đến tham quan, thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp trong KCN. Để thực hiện câu chuyện này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nghề gắn với thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường trao đổi, liên kết đào tạo, dạy nghề với các tỉnh, thành phố để có nguồn lao động ổn định, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, đào tạo của các doanh nghiệp.

Thiết lập bộ phận liên kết với doanh nghiệp, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để đảm bảo thông tin 2 chiều, kịp thời nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, đào tạo của doanh nghiệp để phối hợp liên kết đào tạo, đưa người học thực hành, thực tập theo hợp đồng liên kết.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động đào tạo nghề cho NLĐ, qua đó giúp người dân nắm rõ thông tin về hoạt động hỗ trợ khi tham gia đào tạo lao động, tình hình việc làm, thu nhập của lao động sau đào tạo nghề. Mặt khác, để NLĐ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, từng KCN phải có nhà ở công nhân đi kèm với các công trình hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt cho công nhân lao động.

Thấy được những hạn chế, khó khăn và đề ra giải pháp giải quyết sát với tình hình thực tế sẽ tháo gỡ nút thắt giữa doanh nghiệp với NLĐ trong công tác tuyển dụng, đào tạo lao động làm việc tại các KCN tỉnh Sóc Trăng. Và NLĐ không còn phải xa quê đến các KCN khác làm việc mà tìm được việc làm ổn định tại tỉnh nhà.

NGỌC HẢI