Đền thờ Bác Hồ trong lòng người dân xứ cù lao
Ông Lâm Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thạnh Đông cho biết: “Mỗi năm, khi đến ngày sinh nhật Bác, người dân Sóc Trăng lại trở về vùng kháng chiến năm xưa, nơi có Đền thờ Bác Hồ tại xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung để dâng hương, tỏ lòng thành kính và biết ơn Bác vô hạn”.
Ông Lâm Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) kể lại quá trình lập Đền thờ Bác Hồ. Ảnh: CHÍ BẢO
Ngày 3/2/1970, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, công trình xây dựng Đền thờ Bác chính thức được khởi công. Mặc cho địch liên tục càn quét, bắn phá căn cứ cách mạng, nguy hiểm cận kề, nhân dân Cù Lao Dung vẫn quyết tâm xây dựng trong sự kiềm tỏa, đồn bốt bao quanh của kẻ thù. Đền thờ Bác Hồ được dựng lên bằng ý chí và niềm tin của nhân dân, là động lực để người dân quyết tâm vượt qua khó khăn, đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Ông Lâm Văn Hiệp nhớ lại: “Bà con đóng góp cây lá vườn, gồm: tre, mù u tiến hành thi công, có những lúc địch càn quét phải làm ban đêm, chị em phụ nữ và các mẹ cũng chằm lá vào ban đêm. Đến ngày 19/5/1970, nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Bác thì khánh thành. Ngày khánh thành có cán bộ tỉnh, huyện, xã và nhân dân Cù Lao Dung về dự, đến khoảng 5 - 6 giờ chiều bà con đến viếng trên 500 người, trong nỗi nhớ thương không nguôi”.
Thời điểm Đền thờ Bác Hồ được lập tại ấp Nguyễn Công Minh cũng là lúc Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở các cuộc càn quét, lấn chiếm những vùng nông thôn, căn cứ cách mạng, người dân Cù Lao Dung đã mưu trí, dũng cảm bảo vệ an toàn Đền thờ Bác Hồ cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày thống nhất cùng với công cuộc xây dựng lại quê hương, Đền thờ Bác Hồ trên đất Cù Lao Dung tiếp tục được tu sửa. Đến năm 1989, nhân dân trong và ngoài tỉnh về thăm viếng, thắp hương nhớ Bác ngày càng đông, lãnh đạo huyện Long Phú khi đó quyết định đầu tư kinh phí xây dựng lại Đền thờ Bác đàng hoàng hơn, trang nghiêm hơn. Việc trùng tu lần này được thay đổi cả về kết cấu lẫn diện tích, những khung cột gỗ, mái lá trước đây được xây dựng lại bằng bê tông, cốt thép và gạch ngói kiên cố hơn, khang trang hơn nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc đình miếu trong dân gian Nam Bộ. Công trình trùng tu Đền thờ Bác Hồ được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1990), nơi đây trở thành pháo đài niềm tin vững chắc trong lòng người dân Cù Lao Dung, Long Phú (Sóc Trăng).
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cù Lao Dung không chỉ thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với Bác Hồ mà còn là địa chỉ đỏ, nơi hành hương về nguồn của nhân dân địa phương và du khách gần xa, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nơi tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân địa phương. Ngày 28/12/2001, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lòng dân nhớ Bác
Năm 2002, huyện Cù Lao Dung được chia tách từ huyện Long Phú. Năm 2005, cùng với nghi lễ viếng đền thờ nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác 19/5 diễn ra hàng năm, huyện Cù Lao Dung đã nâng tầm các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra trong dịp này lên thành lễ hội đền thờ.
Đối với người dân Cù Lao Dung, ngày 19/5 trở thành một ngày thiêng liêng và trọng đại trong đời sống tinh thần. Hàng năm, dịp diễn ra lễ hội, ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân từ các địa phương trong tỉnh đã tề tựu về khu di tích Đền thờ Bác Hồ để thắp hương tưởng niệm và tham gia lễ hội Đền thờ Bác Hồ. Cùng với những nén hương thành kính nhớ thương vị lãnh tụ kính yêu, người dân Cù Lao Dung dâng lên Người những mâm lễ vật do mọi người làm ra từ cuộc sống quê hương thanh bình, no ấm như xôi, bánh, hoa quả…
Sau khi được chia tách, Cù Lao Dung đã được quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và nhiều hạng mục công trình để phát triển kinh tế - xã hội. Riêng Đền thờ Bác Hồ sau khi được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã thu hút ngày càng đông đảo du khách đến thăm viếng, quy mô tổ chức các hoạt động lễ hội diễn ra ngày càng lớn và được đông đảo nhân dân tham dự. UBND huyện Cù Lao Dung đã lập dự án quy hoạch tổng thể khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; UBND tỉnh đã quyết định đầu tư tu bổ, tôn tạo đền thờ gồm các hạng mục xây dựng như: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội, cổng chính, tường rào, sân lễ, đường nội bộ, ao sen, với tổng kinh phí xây dựng các hạng mục khoảng 31,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 11,5 tỷ đồng, các cơ quan, ban ngành và nhân dân đóng góp gần 20 tỷ đồng. Tổng diện tích khu vực đền thờ đã được mở rộng trên 22.000m2, công trình đã hoàn thành và khánh thành vào dịp 123 năm ngày sinh của Bác (19/5/2013).
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ghi nhớ công lao và tri ân những đóng góp to lớn của Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, những người con của quê hương Cù Lao Dung luôn hướng về Bác. Ở mảnh đất cù lao, dù là khu vực đô thị hay những vùng sâu, vùng xa, người dân nơi đây đều trang trọng treo ảnh Bác trong nhà. Nhiều gia đình còn lập bàn thờ để hương khói, cúng kiếng nhằm thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với Bác.
Ông Huỳnh Văn Bửu (85 tuổi) ở ấp Đặng Trung Tiến, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung lập bàn thờ Bác tại gia đình. Ảnh: CHÍ BẢO
Ông Huỳnh Văn Bửu (85 tuổi) ở ấp Đặng Trung Tiến, xã An Thạnh Đông cho biết: “Nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà người dân chúng tôi mới có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Tôi lập bàn thờ Bác tính đến nay cũng mấy chục năm rồi. Mỗi ngày thắp hương cho Bác tôi đều tự nhủ với lòng sẽ luôn cố gắng phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Còn sức thì tôi còn góp phần xây dựng quê hương, nuôi dạy con cháu trở thành người có ích cho xã hội”.
Đồng chí Hoàng Đình Nam - Bí thư Đảng ủy xã An Thạnh Đông cho biết: "Hiện nay, Đền thờ Bác Hồ là “ngọn lửa thiêng” lan tỏa truyền thống cách mạng. Những ngày lễ lớn, địa phương đều tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống và báo công dâng Bác; sáng thứ Hai đầu tuần, Đảng bộ xã tổ chức chào cờ tại Đền thờ Bác. Noi gương Bác, các cán bộ, đảng viên và nhân dân xã An Thạnh Đông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương".
Đồng chí Đoàn Phước Tùng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cù Lao Dung khẳng định: “Đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung là tình cảm, sự tôn kính của người dân đối với Bác Hồ; đã trở thành biểu tượng sức mạnh tinh thần, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt trong lòng dân. Đền thờ Bác còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ, lan tỏa các phong trào rèn luyện, học tập và làm theo Bác để chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp”.
Lòng tôn kính Bác đã trở thành giá trị văn hóa được trao truyền từ đời này sang đời khác, có sức sống bền lâu, đã và đang được phát huy thành nguồn lực, sức mạnh tinh thần để người dân Sóc Trăng nói chung và người dân Cù Lao Dung nói riêng thực hiện lời dạy của Bác, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng tiến bộ, giàu mạnh, phồn vinh.
CHÍ BẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin