Nói về công tác xây dựng Đảng, Bác nhấn mạnh: “Trong Đảng hiện nay, ở các địa phương có hiện tượng lớp già ép lớp trẻ trong khi sự hiểu biết về kinh tế, văn hóa của họ không bằng”. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Bác nhận xét khái quát một số địa phương lúc bấy giờ còn có tình trạng “lớp già ép lớp trẻ”. Dĩ nhiên, không phải số nhiều, nhưng vấn đề này làm ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội phát triển cán bộ trẻ. Đối với Trung ương, Người cho rằng: “Ở Trung ương cũng có đồng chí già, trước có công, nay không làm được. Bây giờ, ai làm được việc thì cử người ấy, cố nhiên trọng người nhiều tuổi Đảng”. Đối với Bác, việc phân định rõ ràng các yếu tố trước sau, năng lực, kinh nghiệm là quá trình chọn lựa cán bộ có đủ đức, tài phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của đội ngũ kế thừa và chế độ chính sách cho những cán bộ lớn tuổi, Bác nêu: “Phải có kế hoạch để lớp trẻ thay thế lớp già. Đối với lớp cán bộ già ấy, cho lương hưu, ưu đãi”. Bác cũng tự nguyện “xin xung phong hưu” để cho thế hệ trẻ có điều kiện phát triển. Có thể khẳng định, Bác là người luôn rất tin tưởng vào thế hệ trẻ. Từ đó, Người chỉ ra rằng: “Chúng ta phải có kế hoạch, chính sách đối với cán bộ già, cán bộ trẻ. Già làm được việc gì thì giao việc ấy, không thì đối đãi thỏa đáng. Cán bộ trẻ có tài, đức thì phải mạnh dạn đề bạt”.
Trong buổi lễ bế mạc, Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II từ ngày 5 đến ngày 7/5/1958, tại Hà Nội, Bác nói: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”.
Tại Hội nghị chính trị đặc biệt diễn ra từ ngày 27 đến ngày 28/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Báo cáo chính trị nêu lên những thành tích to lớn của nhân dân ta trong 10 năm qua, về tình hình hiện tại và nhiệm vụ trước mắt, đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và Chính phủ. Khi nói về thanh niên, Bác nêu: “Thanh niên ta tích cực xung phong cố gắng làm tròn nhiệm vụ đầu tàu trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, quốc phòng, thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên””. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19/1/1955, Bác chỉ rõ: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi”.
Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt… Thanh niên xung phong phải có mục đích. Xung phong để thực hiện kế hoạch 5 năm, xung phong để hoàn thành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giúp đỡ miền Nam khi nước nhà được thống nhất. Thanh niên phải gần gũi quần chúng. Xa cách quần chúng sẽ bị cô độc. Đó chính là lời khuyên của Bác đối với thanh niên - thuộc thế hệ trẻ tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc vào ngày 22/9/1962…
Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Bác dùng phụ từ biểu thị mức độ cao nhất “rất” nhắc lại 2 lần trong một câu văn để nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của công tác bồi dưỡng cho thanh niên.
Kế thừa tư tưởng của Người, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.
TRỌNG NHÂN
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:
[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 8, trang 73, 74.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011: tập 11, trang 399; tập 13, trang 470, 471; tập 14 trang 276; tập 15, trang 612.
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2021, tập 1, trang 143, 168.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin