Nhớ Bác ngày này, năm xưa: “Mặt trận rất vững chắc, rất rộng rãi và rất thiết thực”

TRỌNG NHÂN 05:00, 10/09/2024

STO - Ngày 10/9/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc. Dự đại hội có 360 đại biểu, thay mặt cho các tầng lớp nhân dân các chính đảng, đoàn thể, các lực lượng vũ trang, các dân tộc, tôn giáo và kiều bào ở ngoài nước về tham dự. Đại hội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kế thừa sự nghiệp Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên - Việt trước đây. Cương lĩnh của Mặt trận được tóm tắt thành 10 điểm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt (3/1951). (Ảnh chụp lại từ CD-ROM Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2011)

Bác nhấn mạnh: “Cương lĩnh này là một cương lĩnh đại đoàn kết, mục đích của nó là đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước… Cương lĩnh của Mặt trận rất vững chắc, rất rộng rãi và rất thiết thực”.

Bác giải thích rất cụ thể ý nghĩa của từ “Thiết thực”, “Rộng rãi” và “Vững chắc”. Chính vì thế mà, trong nước, Mặt trận được đại đa số nhân dân ta ủng hộ; trên thế giới, Mặt trận sẽ được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình. Sự thiết thực, rộng rãi, vững chắc ấy làm cho tiền đồ của Mặt trận rất vẻ vang.

Người khẳng định, Mặt trận đã xây dựng một Cương lĩnh đúng đắn. Thế là rất tốt cho cuộc đấu tranh sau này. Nhưng đó chỉ là bước đầu trên con đường đi đến thắng lợi hoàn toàn. Từ nay, chúng ta cần phải ra sức đấu tranh để làm cho Cương lĩnh được thực hiện. Cuộc đấu tranh này sẽ rất phức tạp, gay go. Chúng ta phải bền gan, quyết chí. Việc đầu tiên và cấp bức mà chúng ta cần phải làm là đánh thông tư tưởng của mọi người, tuyên truyền, giải thích bản Cương lĩnh cho thật sâu, thật rộng từ Bắc đến Nam, làm cho mọi người hiểu thấu tinh thần và nội dung của Cương lĩnh, để mọi người hăng hái ủng hộ Cương lĩnh.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Mặt trận thống nhất thanh niên toàn quốc, ngày 15/10/1956. (Ảnh chụp lại từ CD-ROM Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2011)

Trước hoàn cảnh khó khăn của đất nước lúc bấy giờ, Người cho rằng, miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt. Muốn thực hiện Cương lĩnh của Mặt trận, thì chúng ta phải ra sức củng cố miền Bắc về mọi mặt, phải làm cho miền Bắc vững mạnh và tiến lên mãi; chứ quyết không phải là hạ thấp yêu cầu củng cố miền Bắc.

Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt. Muốn thực hiện Cương lĩnh của Mặt trận, thì chúng ta phải ra sức củng cố miền Bắc về mọi mặt, phải làm cho miền Bắc vững mạnh và tiến lên mãi; chứ quyết không phải là hạ thấp yêu cầu củng cố miền Bắc.

Bác đặt câu hỏi và tự trả lời “Mặt trận có Cương lĩnh tốt, nhưng nếu bọn Mỹ - Diệm cứ ỳ ra thì thế nào?”. Và trả lời rằng: “Bản chất của hòn đá là cứ ỳ ra, không nhúc nhích. Nhưng khi nhiều người đồng tâm hiệp lực mà xô đẩy, thì dù tảng đá to mấy, nặng mấy, cũng phải lăn”. Bác cũng khuyên mọi người đồng tâm hiệp lực, kiên quyết củng cố miền Bắc, kiên quyết thực hiện Cương lĩnh của Mặt trận đó là một lực lượng xô đẩy vô cùng mạnh mẽ, dù Mỹ - Diệm muốn ỳ ra cũng không ỳ được, muốn không lăn cũng cứ phải lăn… Nếu Mỹ - Diệm cứ ỳ ra thì thế nào? Mà mỗi người chúng ta nên tự hỏi: Mình đã cố gắng đến mức nào, đã làm trọn nhiệm vụ được chừng nào? Tất cả chúng ta cố gắng làm trọn nhiệm vụ củng cố miền Bắc và thực hiện Cương lĩnh của Mặt trận, thêm vào đó lại có áp lực của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, thì Mỹ - Diệm nhất định phải lăn! - Bác nhấn mạnh.

Từ Cương lĩnh đúng đắn, Người tin chắc rằng, Mặt trận Tổ quốc sẽ làm trọn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Kết thúc bài nói chuyện, Bác nhờ các vị đại biểu chuyển lời chào thân ái của Chính phủ và của Bác cho đồng bào toàn quốc và riêng cho đồng bào miền Nam đang anh dũng đấu tranh.

Có thể khẳng định rằng, với Cương lĩnh đúng đắn, vững chắc, rất rộng rãi và rất thiết thực, Mặt trận đã ra sức vận động các tầng lớp nhân dân thi đua yêu nước, tham gia khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thực sự là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Từ cao trào đấu tranh của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đấu tranh “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc!” nhằm đánh đổ chế độ độc tài, tay sai của đế quốc Mỹ.

Khắc ghi lời dạy của Bác, sau khi giành lại độc lập, Bắc Nam sum họp một nhà, Đảng ta luôn xác định vị trí, vài trò, nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận các cấp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tiếp tục khẳng định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tình hình mới, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, đồng thời tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy mạnh mẽ vai trò, tính tự chủ, năng động, sáng tạo của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội”.

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, trang 30.

[2] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 8, trang 219, 220.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011: tập 10, trang 129, 130 và 131.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2021: tập 1, trang 172, 197.