Mở đầu bài phát biểu chúc mừng, thay mặt Nhân dân, Đảng và Chính phủ Việt Nam, Người rất sung sướng được đón tiếp các đồng chí, những người lãnh đạo nhân dân Bungari anh em.
Bác khẳng định, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Bungari tình nghĩa khăng khít đã có từ lâu. Bác nhắc lại cách đây hơn ba mươi năm, những đồng chí cách mạng của hai nước đã cùng công tác trong Quốc tế Cộng sản. Hơn hai mươi năm trước đây, có một cuộc thảo luận quan trọng để quyết định đường lối tiến lên của cách mạng Việt Nam. Cuộc thảo luận ấy do đồng chí Đimitơrốp lãnh đạo và đã đưa đến kết quả thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
Người cũng nhắc lại trước đó không lâu, vào ngày 14/8/1957, Bác cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đến thăm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội Bungari là G.B. Đamianốp và gặp gỡ thân mật với các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản và Chính phủ Bungari. Bác vui mừng kể lại rằng, những ngày chúng tôi đến thăm nước Bungari anh em là những ngày rất sung sướng mà chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi. Đảng, Chính phủ và nhân dân Bungari đón tiếp chúng tôi đã long trọng, lại thân mật như anh em ruột thịt. Công nhân và nông dân, từ các cụ già đến các cháu bé đối với chúng tôi, đối với nhân dân Việt Nam đều tỏ tình vô cùng thương yêu quý trọng.
Nhân dân Thủ đô Sofia nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị chính thức Bulgaria, tháng 8/1957. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Để rồi từ đó, Người khẳng định rằng: “Giữa các nước trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa do Liên Xô và Trung Quốc đứng đầu, Bungari là một nước anh em kiểu mẫu: Trước ngày giải phóng, Bungari là một nước nông nghiệp lạc hậu. Nhân dân Bungari anh dũng đã nổi lên đập tan xiềng xích phong kiến và tư bản. Dưới sự lãnh đạo khôn khéo của Đảng Cộng sản Bungari và sự giúp đỡ vô tư của Liên Xô, chỉ trong mười năm, Bungari đã thành một nước công nghiệp tiên tiến, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân Bungari không ngừng được nâng cao.
Trên trường chính trị quốc tế, nhân dân Bungari luôn luôn kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, đòi giảm binh bị và cấm dùng vũ khí nguyên tử và khinh khí. Nhân dân Bungari luôn luôn đấu tranh cho hòa bình thế giới và ra sức ủng hộ những dân tộc phấn đấu để giành tự do độc lập”.
Bác cũng tin chắc rằng cuộc đi thăm của các đồng chí sẽ thắt chặt thêm tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai dân tộc chúng ta, sẽ củng cố thêm tình đoàn kết trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa của chúng ta và góp phần củng cố hòa bình thế giới.
Cuối cùng, Bác nhờ các đồng chí chuyển lời chào thân ái của tôi cho bà con công nhân, nông dân, trí thức và các cháu thanh niên, nhi đồng Bungari.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Chính phủ Bulgaria thăm Việt Nam tháng 10/1958. Ảnh: TTXVN
Việt Nam và Bungari thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 8/2/1950. Bungari là một trong 10 quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện đó có ý nghĩa to lớn trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, là thắng lợi chính trị vô cùng quan trọng, thể hiện sự ủng hộ quý báu của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì hoà bình, độc lập tự do. Vào những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Việt Nam đã luôn nhận được sự ủng hộ quý báu cả về vật chất lẫn tinh thần của Chính phủ và nhân dân Bungari.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Bungari phát triển tích cực, đặc biệt là lĩnh vực chính trị - ngoại giao. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương. Bungari ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021); ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016 và 2023 - 2025).
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Bungari chiếm vị trí quan trọng trong mối quan hệ hai nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 hai nước tăng mạnh ở mức 108% so với năm 2020, đạt mức gần 250 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2022 con số này giảm còn hơn 200 triệu USD do ảnh hưởng nhiều yếu tố trong khu vực và trên thế giới. Theo nhận định, nhìn chung, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước còn thấp so với tiềm năng. |
TRỌNG NHÂN
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 6, trang 411, 412; 432, 433.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 11, trang 118 - 120.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin