Thanh niên Châu Thành lập thân, lập nghiệp và sáng tạo

THẠCH PÍCH 08:53, 19/09/2024

STO - Những năm qua, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” luôn được Huyện đoàn Châu Thành (Sóc Trăng) quan tâm triển khai thực hiện rộng khắp và hiệu quả. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tạo điều kiện cho thanh niên vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.

Khá lên nhờ mô hình nuôi gà Peru

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Võ Hoàng Vinh, đoàn viên Chi đoàn ấp An Tập, xã An Hiệp, huyện Châu Thành đã thực hiện thành công mô hình nuôi gà Peru. Anh Vinh chia sẻ: “Ban đầu, tôi khởi nghiệp với mô hình nuôi gà vườn, giống mua ở tỉnh Bình Định với số lượng hơn 200 con. Sau thời gian nuôi đến khi xuất chuồng, tôi trừ các khoản phí, thấy hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu trên các báo, đài, mạng xã hội... tôi biết được nhu cầu của thị trường đối với gà Peru rất lớn, giá trị kinh tế cũng cao. Chính vì vậy, tôi quyết định chuyển sang mô hình nuôi gà Peru”.

Năm 2021, sau khi tìm hiểu về giống gà Peru, anh Vinh quyết định mua 2 con gà mái với giá 6 triệu đồng về nuôi. Biết anh là người đam mê nuôi giống gà này, chủ bán gà cho anh mượn 1 con gà trống. Lứa đầu tiên cho anh đàn gà gần 20 con. Nhờ chịu khó, năm 2023, đàn gà của anh dần phát triển mạnh. Tháng 4/2024, anh Vinh bán 14 con, thu về trên 100 triệu đồng. Thấy mô hình nuôi gà Peru của anh Võ Hoàng Vinh trở thành mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của Xã đoàn An Hiệp, mới đây Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành cho anh vay vốn với số tiền 90 triệu đồng để đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi.

Hiện nay, trong chuồng của anh có 14 con gà mái, 3 con gà trống, trên 100 gà con, mỗi con anh bán từ 600.000 - 800.000 đồng (từ 6 - 8 tuần tuổi), trứng bán 200.000 đồng/quả. Gà mái giống sinh sản có giá bán 4 triệu đồng/con, gà trống 15 triệu đồng/con. Hiện, khách hàng ở các tỉnh, như: Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang… tìm đến mua chủ yếu là để làm giống và nuôi làm cảnh.

Anh Vinh chia sẻ: “Đối với gà con thì mình nên tách riêng ra cho dễ nuôi, cứ 1 chuồng khoảng 1 - 3 con, nếu chuồng nuôi số lượng chung nhiều quá thì gà sẽ mổ nhau làm gà bị thương và có thể sẽ chết. Bên cạnh đó, nguồn nước và thức ăn cho gà phải sạch. Thông thường tôi đăng lên bán gà trên các trang mạng xã hội, người ở các tỉnh, thành phố đặt mua, tôi giao hết. Chủ yếu là tôi bán giống gà con, trứng gà, mỗi năm kiếm từ 200 - 300 triệu đồng”.

Anh Ngô Phú Lộc, ngụ ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi cá Koi. Ảnh: THẠCH PÍCH
Anh Ngô Phú Lộc, ngụ ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi cá Koi. Ảnh: THẠCH PÍCH

Thanh niên khởi nghiệp thành công mô hình nuôi cá Koi

Qua thời gian tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường, anh Ngô Phú Lộc, đoàn viên Chi đoàn ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành đã chọn mô hình nuôi cá Koi để khởi nghiệp và bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi cá Koi của anh Lộc được Huyện đoàn Châu Thành đưa các đoàn viên, thanh niên đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm về cách xây dựng bể nuôi, kỹ thuật nuôi.

Anh Ngô Phú Lộc chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi thấy màu sắc cá đẹp nên có ý định mua cá Koi về nuôi. Năm 2022, sau tìm hiểu, nghiên cứu về kỹ thuật nuôi cá Koi trên mạng xã hội, tôi chỉ mua về nuôi thử khoảng 40 con. Ban đầu, do tôi chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, nên cá bị hao hụt nhiều. Không nản lòng, tôi quyết tâm làm lại từ thất bại đó và tiếp tục đầu tư mua thêm cá giống về nuôi. Sau một thời gian, mô hình nuôi cá Koi của tôi đã mang lại kinh tế, có thu nhập ổn định”.

Chia sẻ về loại cá chuẩn, anh Phú Lộc cho biết: “Con cá chuẩn với mức giá 5 triệu đồng/con. Chuẩn là cá F1 con cá của Nhật, sinh sản tại Việt Nam. Thường loại cá có màu sắc trắng pha đỏ (Kohaku), trắng pha đỏ - đen (Showa Sanke), trắng pha đen (Utsurimono), đen pha trắng (Shiro Bekko), vàng pha đen (Ki Utsuri), bạch kim hoặc vàng kim (Kinginrin), xám bạc (Asagi), trắng trên đỉnh đầu có một vòng tròn đỏ (Tancho). Hiện nay, trong bể nuôi của tôi còn cá Koi chuẩn khoảng 30 con, cá chưa đạt khoảng 10kg. Tùy theo thời điểm khách hàng đặt mua, tôi bán loại 10 con/kg với giá từ 300.000 - 450.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm trừ các khoản phí cho lợi nhuận từ 20 - 40 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình nuôi dưỡng cá Koi, để ổn định cuộc sống”.

Đồng chí Lê Minh Trung - Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Châu Thành cho biết: “Thời gian qua, Huyện đoàn đã hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp; định hướng, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên triển khai các mô hình kinh tế phù hợp; giới thiệu và cho đoàn viên, thanh niên đi tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu để áp dụng, nhân rộng. Các cấp bộ đoàn trong huyện thường xuyên phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên nông thôn có điều kiện kinh doanh, phát triển mô hình sản xuất. Từ nguồn vốn vay, nhiều bạn trẻ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên mảnh đất quê hương”.

THẠCH PÍCH