Anh Trần Thanh Sơn thành công từ mô hình trồng hẹ bông

THI RE 05:27, 08/11/2024

STO - Tận dụng đất bờ bao, bờ kênh của gia đình sản xuất kém hiệu quả, anh Trần Thanh Sơn, ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu (Sóc Trăng) đã mạnh dạn đầu tư sang mô hình trồng hẹ bông, có lắp hệ thống tưới nước phun tự động đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ðây là cách làm hay, sáng tạo, trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp và có cuộc sống ổn định trên chính mảnh đất quê hương.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên bình, nơi có thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Với mơ ước phát triển kinh tế từ các loại rau màu, đặc biệt là hẹ bông có nhu cầu lớn trên thị trường, anh Thanh Sơn đã học hỏi từ những mô hình trồng trọt hiệu quả khác và tham gia các khóa tập huấn về nông nghiệp để tích lũy kiến thức.

Anh Trần Thanh Sơn, ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đang thu hoạch hẹ bông. Ảnh: THI RE
Anh Trần Thanh Sơn, ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đang thu hoạch hẹ bông. Ảnh: THI RE

Với niềm đam mê trồng trọt, năm 2019, chàng thanh niên Khmer bắt đầu thực hiện mô hình trồng hẹ bông với diện tích khoảng 2.000m2. Anh cũng tự mình thử nghiệm và điều chỉnh kỹ thuật trồng hẹ, từ khâu chọn giống, đến chăm sóc và thu hoạch sao cho sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.

Dẫn chúng tôi đến tham quan mô hình trồng hẹ, anh Trần Thanh Sơn chia sẻ: “Ban đầu, tôi trồng hẹ tưới nước theo phương pháp truyền thống, nên tốn nhiều thời gian và công chăm sóc. Qua thời gian, tôi tìm tòi, học hỏi cách trồng hẹ trên mạng xã hội và được tập huấn những kiến thức cơ bản từ chương trình khởi nghiệp thúc đẩy thanh niên làm kinh tế. Đến cuối năm 2023, tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành hỗ trợ vay vốn, với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư mô hình trồng hẹ bông bằng hệ thống tưới nước phun tự động. Từ khi áp dụng mô hình đến nay, tôi có thời gian làm chuyện khác, như: nhổ cỏ, lặt lá hẹ…”.

Đang thu hoạch hẹ trên liếp, anh Thanh Sơn phấn khởi cho biết:

Hẹ dễ sống, nảy chồi khỏe, nên khi trồng rải nhiều phân hữu cơ hoai mục, hạn chế tối đa việc sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cây hẹ vốn ban đầu ít nhưng lại có thu nhập đều đặn, lâu dài so với các loại rau màu khác. Bình quân, cách 1 ngày gia đình tôi thu hoạch hẹ bông một lần là dao động từ 15 - 20kg, với giá hiện tại từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Ngoài ra, khoảng nửa tháng thu nhập thêm từ hẹ lá một lần, với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Còn mùa hạn, hẹ bông vừa ngon, ngọt có giá cao hơn từ 50.000 - 60.000 đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi có cuộc sống cải thiện hơn trước.

Theo chia sẻ của anh Thanh Sơn, muốn trồng cây hẹ đạt hiệu quả cao, phải chú ý từ cách làm đất, bón phân, chọn giống tốt, hẹ sẽ phát triển và cho thu hoạch nhanh hơn. Hẹ được tách ra từng tép, trồng mỗi bụi từ 3 - 4 tép, khoảng cách 15 x 20cm. Sau khi trồng, tiến hành phủ trên liếp bằng rơm rạ mỏng, tưới nước đủ ẩm. Lúc mới trồng, anh tưới nước mỗi ngày 3 lần, đến khi cây hẹ đã bén rễ và phát triển tốt thì chỉ cần tưới nước mỗi ngày 2 lần, tránh tưới vào buổi trưa. Còn mùa mưa, thỉnh thoảng cũng tưới cho hẹ một lần.

Nhờ có ý chí cần cù trong lao động sản xuất, tháng 10/2024 anh Thanh Sơn còn được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ một con bò giống sinh sản từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trị giá 18 triệu đồng và hỗ trợ thức ăn 5 triệu đồng. Anh Thanh Sơn phấn khởi cho biết: “Được hỗ trợ thêm một con bò giống, tôi rất vui mừng và cám ơn chính quyền địa phương đã quan tâm. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh để cho bò giống mau lớn”.

Thành công từ mô hình này, anh Thanh Sơn còn truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt cho người dân trong xóm. Xã đoàn An Hiệp chọn mô hình trồng hẹ bông bằng hệ thống tưới phun tự động là Chương trình khởi nghiệp thúc đẩy thanh niên làm kinh tế năm 2024. Anh Sơn cũng trở thành tấm gương sáng cho nhiều thanh niên nông thôn noi theo.

THI RE