Theo đồng chí Huỳnh Thanh An - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cù Lao Dung, toàn huyện có 16.903 hộ, với 63.709 nhân khẩu, trong đó: DTTS 1.749 hộ, với 5.235 người. Kinh tế chủ yếu của đồng bào DTTS là nông nghiệp và kinh doanh, buôn bán nhỏ. Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kết luận của Trung ương, tỉnh liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện toàn diện, có hiệu quả ở các lĩnh vực công tác trong vùng đồng bào DTTS.
Vì thế hệ tương lai của đất nước, trong 5 năm qua (2019 - 2024), các cơ quan chức năng huyện Cù Lao Dung đã huy động 1.028 học sinh DTTS đến trường (tăng 291 học sinh so với năm 2019). Công tác xóa mù chữ cho người DTTS luôn được chú trọng thực hiện, năm 2024 đã mở 2 lớp xóa mù chữ cho 43 học viên tham gia học. Hiện nay trên địa bàn huyện có 30 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 100%); thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 6/12/2019 của HĐND tỉnh Sóc Trăng quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè, huyện đã mở 10 lớp dạy chữ Khmer cho 155 em học sinh.
Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Ảnh: SỚM MAI
Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS là vấn đề rất được chú trọng. Giai đoạn từ năm 2019 - 2024, đã cấp thiết bị âm thanh và dàn nhạc ngũ âm cho tụ điểm sinh hoạt văn hóa chùa Kos Tung (xã An Thạnh 2) và câu lạc bộ văn hóa Khmer xã An Thạnh Nam. Phối hợp với Bảo tàng tỉnh và Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khmer. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong vùng đồng bào DTTS phát triển đáng kể, thường xuyên tham gia tốt các cuộc hội thi, hội diễn và hội thao các cấp, mang lại thành tích tốt cho huyện. Các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể thao thường xuyên được củng cố và bổ sung nhân sự đảm bảo cho hoạt động. Hiện tại trên địa bàn huyện có 2 câu lạc bộ ghe ngo trên 120 vận động viên; 2 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ gồm 50 hội viên; 3 câu lạc bộ bóng chuyền; 2 câu lạc bộ bi sắt; 2 câu lạc bộ nhạc ngũ âm và có trên 95% gia đình xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn văn hóa. Nhờ được quan tâm mà nhiều phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào Khmer được xóa bỏ, người dân thực hiện tốt phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, trên địa bàn huyện có 10 người được công nhận là người có uy tín. Riêng năm 2024, UBND huyện đã phê duyệt danh sách 12 người có uy tín đang sinh sống tại các ấp thuộc vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Đây là lực lượng gắn kết giữa chính quyền với nhân dân, góp phần xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Giai đoạn 2019 - 2024, huyện phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức cho đồng bào DTTS. Huyện đào tạo nghề cho trên 2.000 lượt người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho trên 700 người dân tộc. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho 18 người DTTS xây dựng các mô hình sản xuất, vươn lên thoát nghèo...
Chính từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, sự giám sát chặt chẽ của HĐND các cấp, sự phấn đấu, nỗ lực của các đơn vị, các địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển. Bằng các nguồn vốn, huyện đã triển khai thực hiện đầu tư trên 37 công trình giao thông nông thôn, sửa chữa các trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng và sửa chữa trụ sở đảng ủy, UBND các xã vùng dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 109 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ 2 xã thuộc vùng đồng bào DTTS với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để thực hiện công trình xử lý nước thải và mua dụng cụ luyện tập thể dục, thể thao...
Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) quan tâm đầu tư, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của đồng bào DTTS. Ảnh: SỚM MAI
Ngoài ra, huyện cũng quan tâm lãnh đạo việc kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở nơi có đông đồng bào DTTS. Toàn huyện có 138 đảng viên là người DTTS, chiếm 4,9% tổng số đảng viên của huyện. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS là 150 người. Công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng và đề bạt cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được quan tâm thực hiện... Nhờ thực hiện tốt các chương trình, dự án, các chính sách đối với đồng bào DTTS nên tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm đáng kể, chỉ còn 1,49% (giảm 11,99% so với năm 2019).
Đồng chí Huỳnh Thanh An cho biết, tới đây, huyện Cù Lao Dung sẽ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn. Trước hết, tập trung quán triệt và cụ thể hóa các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về dân tộc - tôn giáo, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, vai trò, trách nhiệm cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; phát huy hơn nữa vai trò, tầm ảnh hưởng của người có uy tín trong công tác tuyên truyền tại địa phương. Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ, nhất là cán bộ người DTTS. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS và thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS.
Trong tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, Bác Hồ rất coi trọng việc xây dựng khối đoàn kết các DTTS. Ngày nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, đã và đang thực hiện điều đó nhằm góp phần vào việc xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh". Trong nhiệm kỳ 2024 - 2029, huyện Cù Lao Dung sẽ nêu cao quyết tâm: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững".
SỚM MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin