Chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới
Theo đồng chí Trần Văn Nguyên - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, xác định Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM là nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá chiến lược trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ từ huyện đến cơ sở., Huyện ủy đã kịp thời ban hành Chương trình hành động về XDNTM giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với tình hình thực tế của huyện Cù Lao Dung. Riêng giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 16/12/2021 về XDNTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Thông báo số 552-TB/HU, ngày 15/3/2023 phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách theo dõi, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới năm 2023.
Đoàn công tác tỉnh Sóc Trăng trong lần làm việc với lãnh đạo huyện Cù Lao Dung về tiến độ giải phóng mặt bằng cầu Đại Ngãi. Ảnh: QUANG BÌNH
Để triển khai thực hiện nghị quyết của Huyện ủy đạt hiệu quả, UBND huyện đã cụ thể hóa bằng kế hoạch giai đoạn cũng như kế hoạch hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành. Mỗi cơ quan, đơn vị cũng có những kế hoạch riêng trong tiến trình XDNTM trên vùng đất Cù Lao Dung. Song song đó, huyện còn tập trung chỉ đạo việc đẩy mạnh truyền thông để tất cả các chương trình, chủ trương, nghị quyết được thông suốt, tường minh nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh các tầng lớp nhân dân trong XDNTM.
Với quan điểm XDNTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện Cù Lao Dung đã triển khai một cách thiết thực, hiệu quả, chiều sâu và phấn đấu có nền kinh tế phát triển bền vững. Kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển khá, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến tích cực, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Quá trình thực hiện, phát huy nội lực của cộng đồng dân cư là chính; lấy người dân là chủ thể trong XDNTM.
Ông Lê Thành Phương, ngụ ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung chia sẻ: “Kể từ khi được chính quyền địa phương tuyên truyền về XDNTM, tôi và gia đình đã tích cực tham gia bằng cách chỉnh trang, sửa sang lại hàng rào, cổng rào. Dọn dẹp vệ sinh và trồng các loại hoa dọc theo con lộ trước nhà. Hiện tại đoạn đường hoa trước cửa nhà nở rất đẹp, sạch sẽ, nhận được nhiều lời khen ngợi từ người qua đường”. Ông Phương tự hào trước sự thay đổi của Cù Lao Dung, giờ đường sá thì được mở rộng, xe ôtô, xe tải đi đến tận nhà. Trường học rồi bệnh viện được sửa chữa, xây dựng mới rất đẹp và khang trang, đời sống người dân nơi đây nâng lên rõ nét.
Diện mạo mới của Cù Lao Dung. Ảnh: SỚM MAI
Quyết tâm đột phá, chất lượng nâng cao
Cù Lao Dung nằm giữa Sông Hậu, bốn bề sông nước, xuất phát điểm kinh tế còn rất thấp (năm 2010, huyện có 5 xã đặc biệt khó khăn), chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với cây mía là chính. Hiện 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện; đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa, bê-tông hóa đảm bảo ôtô đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Hệ thống thủy lợi được hoàn thiện vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất vừa đảm bảo lưu thông và giao thương hàng hóa cho người dân. Đến nay, có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 2 xã An Thạnh 1 và An Thạnh Tây đạt xã nông thôn mới nâng cao, xã An Thạnh 1 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số và thị trấn Cù Lao Dung đạt chuẩn đô thị văn minh. Đặc biệt, các hạng mục công trình trọng điểm quốc gia đã và đang tiếp tục được xây dựng như cầu Đại Ngãi kết nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng là điều kiện quan trọng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Huyện Cù Lao Dung xây dựng 42 vùng trồng tập trung gắn xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ và có 11 sản phẩm OCOP. Ảnh: SỚM MAI
Từ năm 2011 đến nay, huyện Cù Lao Dung đã huy động tổng nguồn lực hơn 5.800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, trong đó, ngân sách Trung ương trên 137 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 139 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 14 tỷ đồng; số tiền còn lại là nguồn ngân sách xã, vốn lồng ghép các chương trình, dự án, vốn tín dụng, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp. Kinh tế của huyện tăng trưởng theo hướng tích cực qua từng năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 62,39 triệu đồng (tăng hơn 3,46 lần so với năm 2010). Huyện đã thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, giảm dần diện tích mía kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có năng suất như: dừa, nhãn, xoài... và nuôi trồng thủy sản. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nên giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích sản xuất đạt 175 triệu đồng/ha/năm (tăng 2,5 lần so với năm 2010). Huyện xây dựng 42 vùng trồng tập trung gắn xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; có 11 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao (tôm một gió) và 10 sản phẩm 3 sao.
Các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước luôn được triển khai kịp thời, đầy đủ. Đặc biệt, trong những năm gần đây việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương đã chăm lo tốt hơn cho gia đình chính sách và hộ nghèo. Bằng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của hộ gia đình, hằng năm có hàng trăm hộ thoát nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 0,38% (năm 2010 có 20,1 hộ nghèo)…
Có thể thấy, thành tựu 13 năm XDNTM của vùng đất Cù Lao Dung với những đột phá, nổi bật. Bởi nơi đây XDNTM đi vào chiều sâu, quan tâm thực hiện các tiêu chí đạt về chất lượng không chạy theo hình thức, số lượng. Sự đổi thay của Cù Lao Dung hôm nay là minh chứng cho tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân trong việc thực hiện phong trào XDNTM tại địa phương.
SỚM MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin