Vườn dừa dứa của ông Cường trồng được 10 năm và đã thu hoạch được hàng trăm đợt trái. Dừa dứa sau khi xuống giống 20 tháng đã cho thu hoạch trái và sau đó là thu hoạch trái mỗi tháng. Diện tích dừa dứa của ông là 5.000m2, được chuyển đổi từ cây mía. Sở dĩ ông biết đến cây dừa dứa là nhờ theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và từ mạng internet. Thấy giá bán trái cao nên ông quyết định trồng dừa để cải thiện thu nhập cho gia đình.
Hiện bình quân ông thu hoạch từ 1.200 - 1.500 trái/tháng (mùa mưa); còn trong các tháng mùa nắng thu hoạch tầm 500 - 1.000 trái/tháng. Giá bán dao động từ 40.000 - 90.000 đồng/chục (12 trái), trừ chi phí lợi nhuận ông thu về bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Cao Cường, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bên vườn dừa dứa của gia đình đã trồng được hơn 10 năm, đem về thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU |
Theo ông Cường, trồng dừa dứa khó hơn các loại dừa khác. Để trái đảm bảo chất lượng và giữ độ thơm tốt phải lựa chọn thời điểm bón phân phù hợp, đặc biệt là phải giữ vườn dừa không để nước mặn xâm nhập vào, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và chất lượng trái dừa. Sau thời gian dài trồng dừa dứa, ông Cường rút ra một số kỹ thuật canh tác dừa hiệu quả. Tuyệt đối không trồng dừa dứa xen với các loại dừa khác; cần chọn thời điểm xuống giống vào đầu mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Trồng dừa công đoạn đầu tiên là phải đào hố đất, hố đào hình tròn đường kính 40cm, sâu 40cm và khoảng cách các hố đào trồng cây cách cây, hàng cách hàng là 7m. Hố đào xong sử dụng 0,5kg phân lân rải đều quanh hố, rồi đặt cây dừa xuống hố đó. Khi dừa đã xuống giống xong, dùng cỏ khô hay rơm khô, lục bình khô phủ lên xung quanh gốc dừa, nhằm giữ ẩm và hạn chế xói mòn đất khi tưới nước. Trong quá trình dừa sinh trưởng cần phải bón phân hợp lý, chẳng hạn với dừa từ 1 - 3 năm tuổi, bón phân 2 lần/năm, vào đầu và cuối mùa mưa (tháng 5, 6 âm lịch) và (tháng 10 âm lịch). Đối với dừa 3 - 5 năm tuổi, đây là thời điểm dừa đã cho thu hoạch trái, bón phân từ 3 - 4 lần/năm, để tăng hiệu quả hấp thụ phân cho cây phát triển và cho sản lượng trái tốt. Mỗi lần bón phân cần xới đất xung quanh gốc dừa, rồi mới bón phân xuống, việc bón phân cũng thực hiện trong các tháng mùa mưa.
Ngoài ra, trong các tháng mùa nắng nóng thì chú ý tưới nước cho dừa từ 1 - 2 lần/tuần, nhằm bổ sung lượng nước cho dừa nuôi trái. Giống như các loại dừa khác, dừa dứa cũng gặp một số loại dịch và sâu hại tấn công như: bọ cánh cứng, đuông, chuột, kiến vương... Do đó, để phòng ngừa bọ cánh cứng thì phun thuốc phòng ngừa 1 lần/tháng. Nhằm hạn chế chuột, đuông phá hại dừa nên thường xuyên dọn nhen dừa, loại bỏ những tàu lá dừa đã già, chặt bỏ những buồng dừa không đậu trái hoặc đã thu hoạch xong.
Đồng chí Liễu Nghĩa Tín - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết:
Đặc điểm nổi bật của dừa dứa là không chỉ nước dừa mà các thành phần khác của cây dừa như lá, hoa, phấn, cơm và vỏ dừa đều có mùi thơm lá dứa nên thị trường rất ưa chuộng. Đầu ra của trái dừa dứa khá tốt, vì được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng giá bán tùy thời điểm cao, thấp khác nhau. Xét về kinh tế, dừa dứa cho thu nhập khá tốt so với một số giống dừa khác. Vì vậy, trong thời gian tới đơn vị sẽ phổ biến nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp, phát triển trồng dừa dứa tại hộ hoặc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng dừa dứa, nhằm nâng cao thu nhập tại hộ.
THÚY LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin