Sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn huyện Kế Sách

05:49, 29/08/2024

STO - Là địa phương có hệ thống kênh, sông ngòi dày đặc, trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thường xuyên xảy ra sạt lở bờ sông, bờ đê, đê cồn. Trong thời điểm những tháng mùa mưa như hiện tại và sắp tới đây khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về, triều cường dâng cao, nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ đê, đê cồn sẽ ngày càng tăng. Để phòng, chống và ứng phó sạt lở, huyện Kế Sách đã và đang triển khai các giải pháp phòng chống, khắc phục sạt lở và đề xuất tỉnh có những hỗ trợ cho huyện khắc phục sạt lở, nhằm đảm bảo sản xuất và việc đi lại, lưu thông hàng hóa cho người dân sinh sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở.

Xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) là địa phương xảy ra sạt lở nhiều nhất. Ảnh: THÚY LIỄU

Xã An Mỹ, huyện Kế Sách là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 4 đoạn sạt lở bờ sông tập trung chủ yếu ở các ấp: Phụng An, Trường Phú. Do 2 ấp này nằm ở ven sông có những đoạn cua sông có dòng nước chảy mạnh kết hợp triều cường và các trận mưa lớn gây ra tình trạng sạt lở thường xuyên quanh năm, đặc biệt là thời điểm vào mùa mưa, sạt lở xảy ra càng nhiều. Chiều dài các đoạn sạt lở từ 15 - 20m/đoạn. Để đảm bảo an toàn cho người dân đi qua đoạn sạt lở và ngăn sạt lở tiếp tục xảy ra, địa phương đã tiến hành việc làm kè tại hầu hết các đoạn sạt lở.

“So với cùng kỳ năm 2023, trong năm nay, tình hình sạt lở trên địa bàn xã xảy ra ít hơn khoảng 20 đoạn sạt lở. Theo nhận định, kể từ ngày tỉnh triển khai thực hiện công trình Âu thuyền Rạch Mọp thì dòng nước chảy trên sông không còn mạnh như trước nên sạt lở ít xảy ra. Dự đoán khi âu thuyền hoàn thành và đi vào hoạt động thì tình trạng sạt lở bờ sông, bờ kênh trên địa bàn xã sẽ ít diễn ra, bởi dòng nước chảy trên sông bị suy giảm nên địa phương và người dân rất phấn khởi”, đồng chí Trương Quốc Linh - Chủ tịch UBND xã An Mỹ chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch UBND thị trấn An Lạc Thôn cho biết.“Khoảng 5 năm trở lại đây, sạt lở thường xuyên xảy ra trên địa bàn thị trấn An Lạc Thôn, tập trung tại các ấp ven sông Cái Côn và sông Cái Trâm. Tuy nhiên, tại các ấp còn lại trên địa bàn thị trấn vẫn có xảy ra sạt lở, sụp lún các con lộ giao thông nông thôn nằm ven bờ kênh, các điểm sạt lở này nhỏ lẻ. Sau sạt lở, địa phương đã tiến hành gia cố đảm bảo an toàn cho người dân đi lại và không xảy ra sạt lở tiếp diễn tại các đoạn còn lại. Tính riêng các tháng đầu năm, thị trấn xảy ra 2 đoạn sạt lở lớn tại ấp An Bình, ấp An Thới (đây là các ấp nằm ven sông), chiều dài 2 đoạn sạt lở hơn 70m, chiều sâu vào bờ khoảng 5m. Các đoạn sạt lở trên làm ảnh hưởng đến việc đi lại của hộ dân trên tuyến này qua ấp và 7 nhà hộ dân sống ven sông. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân có nhà tại các đoạn sạt lở trên, thị trấn đã vận động hộ dân di dời khỏi điểm sạt lở. Đồng thời, đề xuất huyện hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở, vì đây là điểm sạt lở lớn cần có nguồn kinh phí mới khắc phục được sạt lở”. 

Ngoài sạt lở bờ kênh, bờ sông thì việc sạt lở đê cồn trên địa bàn huyện Kế Sách cũng diễn biến phức tạp. Từ năm 2020 - 2023, sạt lở đê cồn thuộc 2 xã An Lạc Tây và Phong Nẫm là 75 đoạn, với tổng chiều dài 4.055m, ước thiệt hại 8 tỷ đồng. Huyện đã tổ chức gia cố, bồi trúc khắc phục các đoạn sạt lở với kinh phí thực hiện 16,7 tỷ đồng. Riêng các tháng đầu năm 2024, huyện đã phối hợp cùng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để đưa vào kế hoạch gia cố, bồi trúc, trong đó đê cồn thuộc ấp An Công, An Tấn, xã An Lạc Tây có tổng số 11 đoạn, tổng chiều dài 253m. Đê cồn Phong Nẫm, xã Phong Nẫm cần phải bồi trúc 414m và nạo vét bồi trúc 4 kênh tuyến, chiều dài 6.514m. Bên cạnh đó, dưới tác động của triều cường, sóng lớn do tàu cao tốc và thuyền lớn đã phát sinh xói lở tại khu vực các đê cồn thuộc các xã Phong Nẫm, An Lạc Tây, Nhơn Mỹ nếu không được tiếp tục bồi trúc, gia cố kịp thời khả năng sẽ vỡ đê bao vào các đợt triều cường trong thời gian tới. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay còn 14 điểm có nguy cơ sạt lở cao, cần gia cố khẩn cấp với tổng chiều dài khoảng 295m.

"Sạt lở các đê cồn, sạt lở ven sông trên địa bàn huyện đang có chiều hướng tăng, UBND huyện đã và đang tiến hành việc gia cố các điểm sạt lở từ nguồn kinh phí huyện và đối với các điểm sạt lở lớn cần nguồn kinh phí nhiều, huyện đang đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí gia cố, khắc phục sạt lở", đồng chí Lê Hoàng Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách thông tin.

THÚY LIỄU