Kỳ 1: “Đòn bẩy” tín dụng chính sách
Tín dụng chính sách chính là “đòn bẩy” để các đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, chị Thạch Thị Út Thúy, ngụ ấp Bồ Đề, xã Kế Thành, huyện Kế Sách cho biết, gia đình chị thuộc diện khó khăn, ít đất trồng trọt, chăn nuôi nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. “Vừa qua, thông qua các tổ chức hội - đoàn thể và chính quyền địa phương, tôi biết được Chính phủ có ban hành nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tôi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách. Có vốn trong tay, tôi quyết tâm thực hiện mô hình chăn nuôi heo để từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững”, chị Thúy vui mừng thông tin.
Vốn tín dụng ưu đãi của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách đã trở thành “điểm tựa” tài chính vững chắc cho hộ dân thực hiện các mô hình trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QUANG BÌNH |
Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Nghị định số 28) đã và đang mở ra cơ hội nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Kế Sách nói riêng. Từ khi Nghị định số 28 được ban hành, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách đang tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, tổng hợp và phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng.
Ngoài ra, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách đã và đang triển khai rất hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội (gọi tắt là Nghị quyết số 11); qua đó, đơn vị đã giải ngân nguồn vốn kịp thời hỗ trợ người dân, góp phần khôi phục phát triển kinh tế. Qua thời gian triển khai Nghị quyết số 11, số hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Kế Sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo ông Bùi Văn Khải, ngụ ấp Xóm Đồng 1, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, sau đại dịch Covid-19, gia đình ông được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách giải ngân vốn 70 triệu đồng từ chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11 để cải tạo vườn, mua phân bón, thuốc trừ sâu… chăm sóc vườn mít, mận, ổi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.
“Sau khi vay vốn từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, tôi thực hiện ngay mô hình trồng cây ăn trái, lấy ngắn nuôi dài. Sau thời gian chăm sóc thì các loại cây trồng, gồm: mít, mận, ổi đã cho thu hoạch khá ổn định, nhờ vậy mà gia đình có điều kiện trả nợ, lãi và gửi tiết kiệm hằng tháng vào Phòng Giao dịch NHCSXH huyện”, ông Bùi Văn Khải cho biết.
Có vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách, hộ dân chí thú làm ăn, vượt khó thoát nghèo bền vững. Ảnh: QUANG BÌNH |
Thời gian qua, công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện luôn được chú trọng. Theo đó, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách đã cải tiến không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, thực hiện đúng quy định, hiệu quả, niêm yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi, đủ các bảng, biển hiệu theo Hướng dẫn số 926/NHCS-TDNN, ngày 15/3/2012 của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam.
“Đến nay, trên địa bàn huyện có 13/13 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng, tiết giảm chi phí, thể hiện tinh thần phục vụ đầy trách nhiệm của NHCSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đúng với ý nghĩa “Thấu hiểu lòng dân tận tâm phục vụ”, đồng chí Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách cho biết.
Kết quả trong năm 2023 và 10 tháng của năm 2024, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 551 hộ nghèo, 971 hộ cận nghèo, 1.816 hộ mới thoát nghèo và 1.045 hộ sản xuất, kinh doanh có vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình với các mô hình, gồm: cải tạo vườn sầu riêng, mận, mít, ổi, bưởi, chanh, chăn nuôi heo, bò, nuôi lươn, nuôi ốc và các dịch vụ khác… Điều đó góp phần tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động; xây dựng trên 2.980 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; giúp cho 90 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 269 hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số được chuyển đổi nghề. Đặc biệt giúp vốn cho 21 người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng... Đến nay, tổng dư nợ tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách đạt 586 tỷ đồng, với số khách hàng còn dư nợ 17.770 hộ, chiếm 40%/tổng số hộ trên địa bàn huyện.
QUANG BÌNH
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin