Truyền thông và giảm nghèo về thông tin - Chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện Kế Sách:
“Có gan” nên thu nhập ổn định

NGỌC HẢI 04:57, 28/11/2024

STO - Ông bà ta vẫn thường hay khuyên bảo con cháu “có chí làm quan, có gan làm giàu”. Tin tưởng là làm theo câu tục ngữ đó, đoàn viên Trần Văn Hòn, ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình “Nuôi ong lấy mật tự nhiên trên phấn hoa”. Tính bình quân mỗi tháng, Hòn thu nhập ổn định 9 - 10 triệu đồng. Về đầu ra sản phẩm khá bền vững, số lượng mật thu hoạch được bao nhiêu Hòn đều bán hết rất nhanh.

Theo Trần Văn Hòn, mô hình này không khó thực hiện, chỉ cần quan sát hơn 1 tiếng đồng hồ là nắm cơ bản cách thức nuôi ong, trong quá trình nuôi thì học hỏi thêm kinh nghiệm là “chắc ăn như bắp”. Tuy nhiên, cái quyết định đầu tiên là người nuôi phải gan dạ. Vì nếu không nắm được đặc tính của con ong, không biết cách lấy mật, rất dễ bị ong tấn công. Từ cái sợ ban đầu, nếu cá nhân không vượt qua được thì rất khó mà làm mô hình này.

Đoàn viên Trần Văn Hòn, ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) kiểm tra các cầu ong. Ảnh: NGỌC HẢI

Vùng đất Kế Sách được biết đến là “thủ phủ” cây ăn trái ở tỉnh Sóc Trăng, trong đó xã An Lạc Tây có diện tích trồng nhãn khá lớn ở huyện Kế Sách. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Không ít người dân ngoài huyện đến đây đầu tư với quy mô lớn, có thu nhập cao từ mô hình này. Được tiếp cận mô hình nuôi ong lấy mật, thấy dễ làm, không lo đầu ra, thu nhập ổn định nên Hòn quyết định đầu tư thời gian và công sức nuôi ong.

Nghe Hòn kể lại, trước đây em nuôi gà thả vườn với số lượng 100 con, trong đó có 30 con gà mái. Tuy có hiệu quả kinh tế nhưng rủi ro khá cao. “Nhà em có 7 công đất, chủ yếu là trồng cây ăn trái. Tận dụng diện tích đất quanh nhà và muốn tăng thu nhập, em quyết định nuôi gà thả vườn, vì qua tìm hiểu thấy đầu ra khá tốt. Nhưng thời điểm đó, gà bị nhiễm dịch bệnh chết rất nhiều, rồi giá lúa lên cao nên em ngưng không tái đàn nữa. Sau đó em đi làm cho hộ dân nuôi ong lấy mật, thấy mô hình này có nhiều ưu điểm nên em học hỏi. Nguồn vốn đầu tư không quá cao nên em không cần vay vốn ngân hàng. Ban đầu em nuôi 10 thùng ong, mỗi thùng có giá 2,2 triệu đồng. Mô hình không tốn nhiều sức lao động, chỉ cần nắm kỹ thuật nuôi thì chắc ai cũng làm được”.

Khi hỏi về cách thức lựa chọn thùng ong, những điều cần lưu ý cho người mới vào nghề, Hòn vui vẻ chia sẻ:

Đầu tiên là mua các thùng ong về nuôi, chọn nơi có uy tín mua. Thùng đóng chắc chắn, đảm bảo vận chuyển không bị ảnh hưởng. Nếu thùng đóng lỏng lẻo, dễ hư hỏng, không sửa chữa được. Mỗi thùng có 7 cầu ong, kiểm tra con ong đeo cứng cầu (mỗi cầu có nhiều ong), ong khỏe mạnh mới lấy mật giỏi. Nơi đặt thùng ong phải lựa chỗ thoáng mát, đảm bảo cho ong dễ tìm đường lấy mật. Đặc biệt, vị trí đặt thùng không chọn chỗ có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, ong dễ bị nhiễm độc, dưỡng lại rất khó. Mỗi thùng cách nhau 0,5m, cách mặt đất tầm 6 - 7cm. Điều cần lưu ý nữa là đặt cố định thùng, hạn chế di dời, nếu có dời đi phải xa hơn 3km. Nếu dời vị trí gần hơn, ong thợ sau khi đi làm không về vị trí mới vẫn trở về vị trí cũ, hay bay loạn xạ giữa vị trí cũ và mới, làm xáo trộn hoạt động của đàn.

Cứ cách 3 ngày, Hòn lại mở nắp thùng ong xem cầu ong 1 lần, chủ yếu là thu hoạch mật và kiểm tra tình hình đàn ong. Trước khi mở, đốt nhang cho có khói để ong xuống bớt. Nhẹ nhàng kéo cầu lên, không làm mạnh, không khéo ong sẽ bay lên tấn công.

Đầu ra sản phẩm mật ong khá tốt, thu bao nhiêu trong xóm, người quen đều mua hết. Ảnh: NGỌC HẢI

Hiện nay, Hòn nuôi tổng số 16 thùng ong, lượng mật cho không đồng đều mà tùy thuộc thời tiết, mùa hoa nở. Thường từ tháng 2 đến tháng 3 (âm lịch), Hòn thu về lượng mật khá cao với khoảng 150 lít/tháng; vào tháng 8 - 9 (âm lịch) chỉ thu được 30 - 40 lít/tháng. Lượng mật thu được, Hòn bán trong xóm, người quen với giá khá mền, chỉ 100.000 đồng/lít nên được nhiều người đặt mua, có bao nhiêu đều bán hết nhanh. Chất lượng mật ong nhà Hòn rất tốt, ong lấy mật tự nhiên, chủ yếu trên hoa cây nhãn; mật ong đặc, không pha nước đường. Tính bình quân, mỗi tháng Hòn bỏ túi khoảng 9 - 10 triệu đồng nhờ bán mật ong.

Bí thư Xã đoàn An Lạc Tây Lương Tấn Phước thông tin:

“Mô hình nuôi ong lấy mật tự nhiên của đoàn viên Trần Văn Hòn khá hiệu quả. Xã đoàn đã tổ chức cho nhiều đoàn viên, thanh niên đến tham quan học tập kinh nghiệm, để có thể lựa chọn mô hình thích hợp cho cá nhân khởi nghiệp. Phía Hòn rất nhiệt tình, những kinh nghiệm tích lũy được qua 2 năm nuôi ong, Hòn thông tin đầy đủ, chi tiết. Điều thuận lợi ở địa phương là có diện tích trồng nhãn cao nhất huyện và trồng các loại cây ăn trái rất nhiều, thuận tiện cho việc nuôi ong lấy mật. Nếu nuôi số lượng dưới 20 thùng như Hòn, người nuôi không cần di chuyển thùng ong đến nơi khác tìm mật”.

Ở xã An Lạc Tây có 86 đoàn viên, 1.700 thanh niên. Lực lượng trẻ này chủ yếu đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp, làm thời vụ ở địa phương và làm nông nghiệp với gia đình. Về chuyện lập nghiệp, không ít đoàn viên, thanh niên ước mơ vươn lên khá giả trên mảnh đất quê hương nhưng khá lúng túng, không biết lựa chọn mô hình nào. Và mô hình nuôi ong lấy mật của đoàn viên Trần Văn Hòn là một “gợi ý” phù hợp cho đoàn viên, thanh niên bắt đầu lập nghiệp, thời gian đầu tư không lâu là thu hoạch được. Tuy nhiên, người nuôi phải gan dạ, chịu khó đeo bám mới thu về “mật ngọt”.

NGỌC HẢI